Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghịch lý lạm phát tháng 4

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng đầu năm lần lượt tăng 1,74%, 2,09% và 2,2%. Nếu CPI tháng tư tăng 3%, đồ thị giá sẽ tiếp tục xu hướng leo thang, thay vì giảm mạnh trong tháng 4 như thông lệ những năm trước.

KTĐT - Năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng đầu năm lần lượt tăng 1,74%, 2,09% và 2,2%. Nếu CPI tháng tư tăng 3%, đồ thị giá sẽ tiếp tục xu hướng leo thang, thay vì giảm mạnh trong tháng 4 như thông lệ những năm trước.

Mười mấy năm qua, tháng 4 luôn là một trong những “điểm rơi” của lạm phát, tốc độ tăng giá tiêu dùng thường ở mức thấp nhất trong năm. Nhưng quy luật này có thể không lặp lại trong năm nay.


Nhiều địa phương trong cả nước đã lần lượt công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng tư, hầu hết đều vượt 3% (Hà Nội 3,28%, TP HCM 3,16%, Long An 5,46%...). Vài ngày tới số liệu chung của cả nước mới được công bố, nhưng những thống kê nêu trên đủ giúp giới phân tích hình dung một cách tương đối về bức tranh lạm phát tháng 4.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu căn cứ vào số liệu thống kê cũng như thực tế tiêu dùng của “đầu tàu” kinh tế Hà Nội và TP HCM thì việc CPI của cả nước dao động trong khoảng 3-4% trong tháng 4 là điều không khó đoán. Chia sẻ với VnExpress bên lề một hội thảo diễn ra tại TP HCM sáng 21/4, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cũng dự báo CPI cả nước tháng 4 tăng khoảng 3%.

Diễn biến CPI giai đoạn 1996 - 2010 cho thấy lạm phát thường giảm vào tháng 4. Số liệu: GSO
Diễn biến CPI giai đoạn 1996 - 2010 cho thấy lạm phát thường giảm vào tháng 4. Số liệu: GSO

Nếu những dự báo này trở thành sự thực, đây sẽ là mức tăng CPI theo tháng cao nhất 15-16 tháng trở lại đây. Biến động của chỉ số này kể từ năm 1996 trở lại đây cũng cho thấy chưa có tháng 4 nào CPI lại tăng cao đến vậy. Ngay cả với năm lạm phát đỉnh cao 2008, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 của cả nước cũng chỉ tăng 2,2% (khi đó, CPI Hà Nội và TP HCM tăng lần lượt 1,49% và 1,82%).

Năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng đầu năm lần lượt tăng 1,74%, 2,09% và 2,2%. Nếu CPI tháng tư tăng 3%, đồ thị giá sẽ tiếp tục xu hướng leo thang, thay vì giảm mạnh trong tháng 4 như thông lệ những năm trước. Theo một số chuyên gia, điều này rất đáng quan ngại bởi áp lực tăng giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế từ nay đến cuối năm được dự báo là rất lớn.

Chia sẻ quan điểm này, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng lạm phát hiện nay tại Việt Nam chủ yếu do chi phí đẩy (giá điện, xăng dầu, chi phí vốn…) và nhiều khả năng sẽ còn kéo dài do những biến động khó lường từ cả trong nước lẫn thế giới.

“Không giống như những năm trước, khi giá cả chỉ chịu tác động của Tết và một số yếu tố mang tính mùa vụ, đầu năm nay, nhiều yếu tố tăng giá cùng lúc được bung ra như việc điều chỉnh tỷ giá, tăng giá điện, than… Sắp tới còn có việc tăng lương, rồi những biến động kinh tế thế giới. Do vậy, sẽ quá lạc quan nếu kỳ vọng giá cả có thể giảm ngay”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói thêm.

Ở thời điểm tháng 3, nhiều chuyên gia trong nước cho rằng lạm phát có thể dịu lại sau quý II. Hai chuyên gia Phạm Chi Lan và Vũ Thành Tự Anh cùng cho rằng hiện tại rất khó để có thể xác định “điểm rơi” của lạm phát sẽ chuyển dịch đi bao nhiêu tháng nữa. Tuy nhiên, cả hai chuyên gia đánh giá cơ quan quản lý đang đi đúng hướng đối với các giải pháp bình ổn đã được đề ra.

“Nếu Chính phủ kiên quyết giữ trạng thái chính sách thắt chặt từ nay đến quý III thì lạm phát sẽ bớt dần từ cuối quý III đến đầu quý IV”, tiến sĩ Tự Anh nhận định.

Theo tiến sĩ Tự Anh, mức độ hiệu quả của các giải pháp đề ra sẽ phụ thuộc lớn và mức độ “kiên định” của các cơ quan thi hành chính sách. Lấy ví dụ về năm 2008, khi Việt Nam cũng có lạm phát cao, cũng thắt chặt tiền tệ, giảm đầu tư… ông Tự Anh cho rằng kết quả khi đó không được như mong đợi vì tài khóa và tiền tệ đã nới lỏng quá sớm khi CPI có dấu hiệu thuyên giảm.

“Tôi cho rằng mục tiêu 7% năm nay chắc chắn không đạt được. Nếu chính sách tiền tệ, tài khóa tiếp tục thắt chặt thì lạm phát sẽ khoảng 10%. Còn nếu không có thể cao hơn nữa”, chuyên gia này nói thêm.

Lạm phát tại Việt Nam tác động rất lớn tới đời sống của người lao động nghèo. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Lạm phát tại Việt Nam tác động rất lớn tới đời sống của người lao động nghèo. Ảnh: Hoàng Hà

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương (Chủ tịch Quỹ Đầu Tư TranInvest) cho rằng để giải quyết câu chuyện lạm phát ở Việt Nam, bên cạnh những giải pháp trước mắt nêu trên, cơ quan quản lý cần có những giải pháp “dài hơn” hơn để khắc phục những yếu kém của nền kinh tế.

Chia sẻ khá nhiều quan điểm với Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, ông Chương cũng cho rằng lạm phát tại Việt Nam có tính khứ hồi: “đến nhanh, đi ngắn và quay lại ngay”. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là do những mâu thuẫn cơ bản của nền kinh tế (hiệu quả sử dụng vốn, công nghệ, chất lượng và năng suất lao động…) không được giải quyết tận gốc.

Theo ông Chương, trong 3 năm trở lại đây, Trung Quốc giữ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng và cung tiền xấp xỉ 20%, còn Việt Nam là 33-35%. Như vậy nền kinh tế đã hấp thụ lượng vốn quá lớn để tạo ra tốc độ tăng trưởng chỉ bằng 2/3 của Trung Quốc. Điều này càng tạo ra nguy cơ lạm phát khứ hồi ngay sau khi được "chữa trị" bằng các giải pháp tình thế.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, do các nhóm hàng lương thực - thực phẩm, giao thông, giáo dục, y tế... co cơ cấu lớn trong rổ hàng hóa tính CPI, nên lạm phát tăng cao sẽ tác động trực tiếp đến túi tiền, chi tiêu người lao động và an sinh xã hội.

“Một người thu nhập danh nghĩa không đổi trong 3 năm qua thì hiện thu nhập thực của họ đã giảm 50%. Cộng với sức ép giá cả ở hàng loạt mặt hàng thì gánh nặng đảm bảo mức sống, phúc lợi cho người dân, đặc biệt là ngưỡng nghèo, cận nghèo sẽ là bải toán lớn đối với cơ quan quản lý trong 6-7 tháng cuối năm”, Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh nhận định.