Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghịch lý làng nghề Dị Nậu, Chàng Sơn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không chỉ là tiếng xoèn xoẹt của cưa, tiếng lóc cóc của đục hay tiếng kin kít của bào…, giờ đây, các làng mộc như Dị Nậu, Chàng Sơn của huyện Thạch Thất (Hà Nội) ồn ã hơn nhiều.

KTĐT - Không chỉlà tiếng xoèn xoẹt của cưa, tiếng lóc cóc của đục hay tiếng kin kít của bào…, giờ đây, các làng mộc như Dị Nậu, Chàng Sơn của huyện Thạch Thất (Hà Nội) ồn ã hơn nhiều.

Cũng bởi nhu cầu xã hội đòi hỏi, người làng nghề thay bào, đục, cưa, chổi quét sơn bằng máy. Nhờ máy móc, làng nghề mộc mỗi ngày một giàu có, song môi trường sống mỗi ngày một nghèo đi… Nghịch lý ấy đang diễn ra từng ngày từng giờ.

 

Bụi bặm - ồn ã…


Theo đường Láng - Hoà Lạc, tôi tìm về xã Dị Nậu và Chàng Sơn. Chàng Sơn thì đích thị là vùng đất khai sinh của nghề mộc ở Thạch Thất, còn Dị Nậu ban đầu có nghề xây dựng chứ không phải nghề mộc. Người làng Dị Nậu đi tứ xứ xây dựng nhà cửa cho thiên hạ rồi học và theo nghề mộc. Con đường giữa làng Dị Nậu giờ đây chật hẹp và đông đúc hơn bởi hai bên mọc lên dãy xưởng mộc. Đã 8 giờ sáng mùa Hè, nhưng đoạn đường này vẫn mang sắc âm u, mờ mịt. Đấy là hậu quả của những làn mạt cưa bay ra từ mấy chục chiếc máy bào, máy cắt, máy cưa ở các xưởng chế biến gỗ. Mùi gỗ ngâm tẩm nhức nhối. Người qua đường vội đưa tay che mũi mà vẫn không thể tránh được sự khó chịu…


Cả xã Dị Nậu có đến quá nửa hộ dân làm đồ mộc. Trong đó, phần lớn xưởng mộc của người dân đều gắn liền với khu sinh sống của gia đình. Xưởng mộc của gia đình anh Nguyễn Văn Hải (Đội 8) được làm ngay trong sân nhà. Đấy chỉ là xưởng mộc nhỏ với hai thợ làm. Khoảng sân được che kín bởi mái tôn. Bụi vẩn lên dày đặc. Ngay phía trong là căn nhà mái bằng chưa trát. Những viên gạch như nhuộm màu vàng của bụi gỗ. Cả ngày, tiếng xoe xoé của các loại máy vang lên. Bên xã Chàng Sơn, nhà nhà làm mộc nên sự đậm đặc của tiếng ồn, bụi và mùi gỗ ngâm càng khủng khiếp hơn. Nhà ông Được - một nghệ nhân nổi tiếng của làng nghề đã có đến 6 đời làm mộc, nhưng vẫn phải mở xưởng gắn liền với khu sinh sống của gia đình. Ông Được bảo: "Làm gỗ tự nhiên thì độ ô nhiễm không quá lớn. Song làm gỗ ván ép thì khủng khiếp lắm. Không những người trực tiếp làm bị bệnh mà những người xung quanh sống lâu trong khu vực cũng ảnh hưởng. Cái thuở chúng tôi làm toàn dùng bằng bào - đục- cưa. Xưa dù cả làng làm mộc đấy, nhưng không gian chỉ vui tai bởi tiếng lách cách. Bây giờ thì máy móc vừa ầm ĩ vừa phủ bụi cả vùng. Đấy là chưa kể đến nguồn nước ngầm ô nhiễm vì các thùng đấu ngâm gỗ. Chạy theo nhu cầu của thị trường, quả là dân làng nghề có khấm khá hơn về đời sống, nhưng tuổi thọ của người dân giảm đi rõ rệt. Rất nhiều người đang mạnh khỏe bỗng đâu mắc bệnh nọ tật kia như viêm xoang, hen suyễn và tệ hại nhất là ung thư…"


Hoá chất bao phủ


Màu sương khói của làng nghề mộc Chàng Sơn, Dị Nậu nếu nhìn từ xa của một buổi sớm hay chiều tà nhiều người huyễn hoặc về một vẻ đẹp liêu trai… Nhầm! Đấy là màu sương khói từ sơn PU bao phủ cả làng. Bởi thế, vừa bước chân đến làng đã có cảm giác đau đầu vì mùi sơn xộc lên mũi, xuống họng… Đi dọc các ngõ ngách xã Dị Nậu và Chàng Sơn, những bức tường xây nham nhở với vết vàng, xanh, nâu. Như nhà anh Hải, vì khoảnh sân quá nhỏ nên anh phải mang gỗ sau khi đã hoàn thiện ra ngoài ngõ sơn. Những vệt sơn bắn loang lổ tường rào. Mùi sơn nồng nặc bay vào lối xóm…"Cái khó bó cái khôn, vì xưởng nhỏ không thể có phòng sơn riêng nên họ mang ra ngõ để phun - chị Nguyễn Thị Huệ, cán bộ môi trường xã Dị Nậu nói - Những màn sơn bay tứ tung. Không khí ô nhiễm. Nói ngay như nhà tôi tuy không làm mộc nhưng xung quanh đều có xưởng gỗ nhỏ khiến cho hai cháu bé tháng nào cũng phải đến bệnh viện vì viêm đường hô hấp".


"Vừa mới tuần trước, trạ

 
m y tế chúng tôi tiếp nhận ca cấp cứu ông Nguyễn Văn Lý (Đội 4 - Ngõ Xép) là một thợ phun sơn- Y tá Nguyễn Thị Sản- Trạm y tế xã Dị Nậu cho biết thêm- Ông Lý vào trạm trong tình trạn tím tái, gọi- hỏi không đáp. Nguyên nhân là do đờm nghẽn ở cổ, khó thở. Ông Lý là một thợ phun sơn lâu năm ở làng. Do quá trình tiếp xúc với sơn PU quá nhiều nên ông Lý đã bị viêm đường hô hấp nặng. Ông Lý chỉ là một trong số rất nhiều thợ sơn ở xã bị mắc bệnh hô hấp đã đến trạm xá chữa trị".


 Ảnh minh họa
Vừa bịt khẩu trang vừa bào gỗ - xưởng gỗ tại nhà anh Hải (Dị Nậu)


Đối với những xưởng mộc lớn, các phòng sơn được quây kín bằng bạt. Trong phòng có một hai chiếc quạt thông gió quay vù vù mà vẫn không quạt hết được mùi nồng nặc. Thợ sơn thực hiện công việc chỉ trong vòng 2 tiếng đã nhận được thù lao đến 300 nghìn đồng. Công trả cao như thế nhưng vẫn hiếm người làm. Phần lớn chủ xưởng phải đi thuê thợ sơn ở nơi khác. Và thợ sơn chỉ dám bám nghề không quá 10 năm. "Loại sơn này rất độc hại khi phun thành sương- Anh Đoàn (xã Chàng Sơn) nói - không phải ai làm mộc cũng kiêm luôn cả sơn được. Có người tiếc công thuê thợ sơn đã vào sơn bị dị ứng ban đỏ hết cả người. Cũng có người làm mấy năm, người không bị sao nhưng khi lấy vợ sinh con thì… đẻ non. Ở bên xóm Giếng ấy, có người trước làm thợ sơn mãi không sinh nổi con phải bỏ vợ, bỏ làng mà đi đến nơi khác lấy vợ sinh con"


Những làng nghề mộc ở huyện Thạch Thất như Dị Nậu, Chàng Sơn hay Thạch Xá…ngày ngày vẫn nhộn nhịp sôi động với những chuyến hàng gỗ xuôi ngược cùng những tiếng máy cưa, bào, đục… Sức giàu của cải thì có nhưng môi trường sống nơi đây nghèo đi vì tứ bề ô nhiễm: ô nhiễm từ nguồn nước, đến không khí cùng không gian sống!


Quy hoạch… dang dở


Từ đường liên huyện Quốc Oai- Thạch Thất, phố xá đông đúc hơn bởi những xưởng gỗ của xã Chàng Sơn được quy hoạch ở hai bên đường. Từ năm 2003, các nhà lắp ghép bắt đầu mọc lên. Thực ra, các chủ xưởng đã nộp tiền thuê đất trong vòng 20 năm với giá 30 triệu đồng từ năm 1999, nhưng phải ba năm sau mới được giao đất. Mỗi xưởng gỗ được nhận diện tích rộng chừng trên 100m2. Phía trước xưởng khoanh vùng để gỗ. Sâu vào trong là nhà tạm để vừa sản xuất vừa bán hàng. Theo nhưquy định, các xưởng gỗ chỉ được dựng nhà tạm song đến nay phần lớn đã xây thành nhà kiên cố khiến cho đoạn đường trở nên sầm uất hơn bao giờ hết. Xưởng gỗ của gia đình anh Tuyển được chia làm ba phần. Phía ngoài là bàn nước để giao dịch với khách. Vào sâu một chút là một số sản phẩm đã được lắp ghép. Phía trong là máy móc cùng một góc làm phòng phun sơn. Mùi gỗ, mùi sơn cùng trộn lại giữa không gian xưởng gỗ chật chội, bề bộn và bụi bặm. "Chúng tôi được cấp 140 m2 để làm xưởng tách rời khu dân sinh. Nhưng so với nhu cầu thực tế thì quá chật hẹp vì chúng tôi cần diện tích rộng gấp 3 lần" - Anh Tuyển nói.


Tại xã Dị Nậu, việc quy hoạch càng ì ạch hơn. Chủ tịch UBND xã Dị Nậu Nguyễn Văn Sơn cho biết: "Cả xã có 222 xưởng gỗ song mới quy hoạch được 16 xưởng ra khu sản xuất tập trung ở trục đường liên xã. Số còn lại đều mở xưởng ngay trong khu vực sinh sống của gia đình nên ảnh hưởng rất nhiều đến môi sinh. Nói thực là xã hiện giờ không còn quỹ đất lưu không, vậy nên phải tính đến chuyện lấy quỹ đất 1 khiến việc quy hoạch phức tạp hơn rất nhiều vì phải tính đến chuyện giải phóng mặt bằng, đền bù - ngoài khả năng của xã. Năm 2009, chúng tôi đã làm văn bản đề nghị lên các cấp lãnh đạo thành phố song đến giờ vẫn chưa thấy… hồi âm".


 
"Vậy ông có thể cho biết cụ thể hơn về số người dân của làng nghề bị bệnh do sống trong môi trường bị ô nhiễm cũng như đưa ra báo cáo chính xác về độ ô nhiễm nước, không khí, tiếng ồn của xã?"- Tôi hỏi. "Điều này thì tôi không nắm được"- ông Nguyễn Văn Sơn nói. Trao đổi với chị Huệ, cán bộ môi trường của xã thì chị cho hay: Xã mới nhận tôi vào làm và mới phân phụ trách về môi trường. Từ trước đến nay xã chưa có văn bản nào đánh giá và khảo sát về độ ô nhiễm của môi trường! 


Dân tự cứu mình?


Khu công nghiệp Chàng Sơn kéo dài đến cả 1.000m dọc theo trục đường liên huyện song mới chỉ đưa được gần nửa xưởng gỗ trong xã ra sản xuất tập trung. Trong số đó có một số xưởng gỗ được thay thế bằng gian hàng kinh doanh sai mục đích…! Trong khi đó, cả xã Chàng Sơn còn có đến 2/3 số xưởng có nhu cầu mở xưởng tách ra khỏi khu sinh sống của gia đình. Người dân Chàng Sơn đã tìm cách tách xưởng bằng việc lấp trũng ruộng để làm mặt bằng. Cánh đồng lúa Chàng Sơn lồi lõm bởi những xưởng gỗ lan ra. Người dân làm đường rồi lấp trũng. Mỗi xưởng gỗ cũng rộng đến trên 100m2.


Ở Dị Nậu, đối diện với đoạn đường liên xã có các xưởng gỗ được xã quy hoạch là 5-6 hộ gia đình tự ra lập xưởng. Phần lớn các hộ này đều là những hộ khá giả. Còn đối với những hộ trong diện quy hoạch của xã thì không hiểu ở đây có sự bao thầu hay không nhưng rõ ràng là có chủ xưởng thuê được mấy xưởng liền. Chẳng thế mà anh Nguyễn Huy Nghĩa, chủ cở sở sản xuất đồ gỗ Nghĩa Tâm nói: "Ngày trước tôi làm nghề xây dựng. Đi mãi xứ người cũng chán, tôi trở về làng làm đồ gỗ. Chúng tôi được xã quy hoạch ra ngoài này để vừa kinh doanh vừa sản xuất. Nhà tôi mua được mấy quầy liền!" Trong khi đó đối với những xưởng nhỏ thì chẳng biết phải chờ đợi đến khi nào thì mới được đưa vào diện quy hoạch. Nghe nỗi mong ước của anh Hải (xã Dị Nậu) thật mong manh: "Nhà tôi là xưởng mộc nhỏ. Mọi công đoạn đều làm trong nhà. Sống với bụi và tiếng ồn bao năm nay nên chúng tôi thấy quen. Quen là như thế nhưng sức khoẻ thì bị ảnh hưởng rõ rệt, đặc biệt là bệnh về đường hô hấp. Chúng tôi rất mong Nhà nước quan tâm quy hoạch một vùng công nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ để chúng tôi có cơ hội đưa xưởng gỗ của mình ra khỏi khoảnh sân nhỏ này!"


Hà Nội mở rộng, đất trăm nghề hội tụ. Những làng nghề truyền thống như Dị Nậu, Chàng Sơn… chẳng những góp phần làm giàu cho kinh tế Thủ đô mà còn làm nên những nét văn hoá riêng cho đất Hà thành. Vậy có một điều được đặt ra: làm thế nào để những làng nghề này phát triển bền vững chứ không phải là sự phát triển mang tính tự phát, nhỏ lẻ làm cho môi trường sống ngày càng ô nhiễm, đe doạ đến cả tính mạng của người dân nơi đây? Đây cũng là câu hỏi cấp thiết dành cho các cấp các ngành của Hà Nội.