Theo đó, đề tài về Điều chỉnh hệ thống đô thị quốc gia đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm 9 chuyên đề do Phó Viện trưởng VIUP, KTS. Phạm Thị Nhâm làm Chủ nhiệm. 9 chuyên đề này gồm: Chuyên đề 1 - Lịch sử và đánh giá hiện trạng hệ thống đô thị; Chuyên đề 2 - Đánh giá triển khai thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg; Chuyên đề 3 - Phân tích bối cảnh quốc tế; Chuyên đề 4 - Phân tích bối cảnh trong nước; Chuyên đề 5: Kinh nghiệm quốc tế; Chuyền đề 6 - Môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu; Chuyên đề 7 - Khung định hướng đô thị quốc gia; Chuyên đề 8 - Hạ tầng kỹ thuật; Chuyên đề 9 - Chương trình và dự án ưu tiên.
Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập, tổng hợp và phân tích tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau và từ các báo cáo chuyên ngành của các Bộ, ngành có liên quan. Báo cáo thuyết minh của đề tài được đánh giá là bám sát nội dung đề cương đã được phê duyệt, hàm chứa nhiều nội dung, đa dạng thông tin, logic và đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Hội đồng khoa học, đề tài cần xem xét, cập nhật thông tin mới nhất liên quan đến nội dung nghiên cứu, bổ sung danh mục tài liệu tham khảo, rà soát, lược bỏ những đoạn trùng lặp cũng như những đoạn không cần thiết để nội dung Báo cáo súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu.
Đặc biệt là cần phải đưa ra những khuyến nghị, cơ chế, chính sách cụ thể, chú ý cập nhật nội dung các báo cáo về biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, đồng thời rà soát, biên tập nội dung Báo cáo đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Kết thúc phiên họp, Hội đồng Khoa học kỹ thuật chuyên ngành Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu đề tài dự án sự nghiệp kinh tế “Điều chỉnh hệ thống đô thị quốc gia đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050” với kết quả đạt loại Khá.
Được biết, Đồ án Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 7/4/2009 đã góp phần tích cực vào việc phát triển hệ thống đô thị Việt Nam trong 10 năm qua.
Đến nay, hệ thống đô thị Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc phát triển kinh tế của đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hệ thống hạ tầng khung của quốc gia như cảng biển, cảng hàng không quốc tế, đường cao tốc, đường sắt Bắc - Nam… phát triển theo hướng tạo nền tảng cơ bản cho các giai đoạn tiếp theo.