Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghiên cứu tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/9, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân, Bộ Nội vụ và Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo “Tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam.”

Đông đảo các nhà quản lý, các nhà khoa học về tổ chức chính quyền địa phương, trong đó có chính quyền đô thị đã dự hội thảo.

Khai mạc hội thảo, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu nêu rõ Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp; nghiên cứu tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo. Tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường.” Vì vậy, việc nghiên cứu tổ chức chính quyền đô thị phù hợp để phục vụ nhu cầu phát triển và đáp ứng quyền lợi của người dân hiện nay là hết sức cần thiết.

Xây dựng mô hình chính quyền đô thị là vấn đề mới ở Việt Nam. Xây dựng mô hình chính quyền đô thị bên cạnh việc tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo cho các vấn đề an sinh của người dân được tốt hơn cũng đặt ra hàng loạt các vấn đề như vai trò lãnh đạo của Đảng trong bộ máy chính quyền đô thị, cơ chế giám sát của người dân đối với hoạt động của chính quyền, những lợi ích mang lại cho nhà nước, cho xã hội và người dân khi triển khai mô hình này. Đây là những vấn đề cần được giải quyết thấu đáo, phù hợp với Hiến pháp, các quy định của pháp luật, hợp với ý Đảng, lòng dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, sau hơn 25 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đã và đang diễn ra nhanh chóng dẫn đến có nhiều khác biệt về hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng giữa đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay về cơ bản giống nhau, đều tổ chức 3 cấp chính quyền (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) và vẫn dựa trên cách thức quản lý của chính quyền nông thôn.

Chính quyền ở địa bàn đô thị cũng tổ chức cấp hành chính và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như chính quyền nông thôn cùng cấp, đồng thời có thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý trên địa bàn đô thị dẫn đến nhiều vấn đề cấp thiết của đô thị như quy hoạch, kiến trúc, xây dựng hạ tầng đô thị, xử lý ô nhiễm môi trường, chống ùn tắc giao thông, quản lý dân cư và trật tự an toàn xã hội chưa được giải quyết kịp thời và cũng chưa phù hợp với nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ, trong đó đô thị do kết cấu hạ tầng thống nhất đòi hỏi phải quản lý theo ngành là chủ yếu, khác với nông thôn quản lý theo lãnh thổ là chủ yếu.

Từ thực trạng tổ chức chính quyền địa phương nêu trên, cần thiết phải làm rõ sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn, từ đó xác định rõ mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ chế hoạt động phù hợp đối với chính quyền ở địa bàn đô thị và chính quyền ở địa bàn nông thôn.

Bộ Nội vụ đã trình Bộ Chính trị Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Mô hình chính quyền đô thị được đồng ý cho tiến hành thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.

Các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo đều cho rằng cần thiết phải tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam. Nhiều ý tưởng mới, có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn trong việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền địa phương, chính quyền đô thị đã được làm sáng tỏ.

Các đại biểu tập trung phân tích làm rõ những vấn đề cơ bản về tổ chức chính quyền đô thị; tổ chức chính quyền đô thị trong tổng thể chính quyền địa phương hiện nay; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng khi tổ chức chính quyền đô thị; những đặc trưng của đô thị và tổ chức chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, thời kỳ Pháp thuộc và từ năm 1945 đến nay; mô hình tổ chức chính quyền đô thị trên thế giới-kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh trong bối cảnh Hiến pháp năm 1992 đang được nghiên cứu sửa đổi, việc đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị cần gắn với nội dung sửa đổi Hiến pháp. Các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm xây dựng tổ chức chính quyền đô thị phù hợp những chế định về chính quyền địa phương trong bản Hiến pháp đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính quyền, bảo đảm dân chủ, vì lợi ích của nhân dân và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần hoàn thiện bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Theo các đại biểu, đặc thù đô thị Việt Nam hiện nay là trong đơn vị hành chính đô thị có đơn vị hành chính nông thôn trực thuộc; trong đơn vị hành chính nông thôn có đơn vị hành chính đô thị trực thuộc, nhiều đô thị, phần nông thôn chiếm tỷ trọng lớn về diện tích tự nhiên và dân số. Vì vậy, việc nghiên cứu, thiết kế mô hình tổ chức chính quyền đô thị phân biệt với chính quyền nông thôn cần nghiên cứu kỹ lưỡng các đặc thù này.

Thiết lập chính quyền địa phương nói chung, chính quyền đô thị nói riêng cần nghiên cứu để kế thừa những yếu tố hợp lý‎‎ của mô hình chính quyền địa phương theo Hiến pháp năm 1946, Sắc lệnh số 77 ngày 21/5/1945 quy định về chính quyền ở đô thị và Sắc lệnh số 63 ngày 22/11/1945 quy định về chính quyền nông thôn đồng thời có sự nghiên cứu, tham khảo mô hình chính quyền địa phương trên thế giới.

Các đại biểu đề nghị cần sớm triển khai thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Thực hiện thí điểm chính quyền đô thị cần đề xuất thí điểm toàn diện cả về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và phương thức hoạt động của chính quyền đô thị có sự phân biệt với chính quyền nông thôn.

Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Ban tổ chức đã được tiếp thu tổng hợp, kiến nghị với Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án thí điểm Tổ chức chính quyền đô thị nhằm góp phần hoàn thiện chế định Chính quyền địa phương trong Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.