Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngọn lửa cách mạng sáng mãi cùng năm tháng

Vy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng Tám, khắp các nẻo đường Hà Nội rực rỡ cờ hoa nhân kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Ngọn lửa cách mạng sáng mãi cùng năm tháng.

Cuộc tổng khởi nghĩa ngày 19/8/1945 tại Bắc Bộ Phủ. Ảnh tư liệu
Cuộc tổng khởi nghĩa ngày 19/8/1945 tại Bắc Bộ Phủ. Ảnh tư liệu

Trong tâm trí những người dân nước Việt, ngày 19/8/1945 được ghi dấu như một mốc son lịch sử của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Cách mạng tháng Tám đã kết nối sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đi đến thành công.

Tiếp nối thành công của Cách mạng tháng Tám, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa nước ta trở thành một nước độc lập, tự do, dân chủ. Đến tận bây giờ, nhiều thế hệ người dân nước Việt luôn ghi nhớ một đoạn trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự do độc lập, toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Ngọn lửa cách mạng sáng mãi cùng năm tháng - Ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 trên Quảng trường Ba Đình. Ảnh tư liệu

Khi mới thành lập, chính quyền cách mạng non trẻ đã phải đối mặt với những thử thách đầy cam go khi vận mệnh dân tộc tựa “ngàn cân treo sợi tóc”. Ngay trong ngày 19/8/1945, các tổ chức đầu tiên của Công an Nhân dân (CAND) được thành lập tại ba miền Bắc – Trung – Nam. Tuy tên gọi khác nhau nhưng các tổ chức này cùng chung nhiệm vụ trấn áp các tổ chức phản cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân. Bắt đầu từ đó, ngày 19/8/1945 được xác định là Ngày truyền thống CAND. Ngày 12/12/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 30/2005/L - CTN công bố Luật CAND, trong đó quy định: “Ngày 19 tháng 8 hàng năm là Ngày truyền thống của CAND và là Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. (Điều 11, Chương I, Luật CAND).

Cùng với quân dân và cả nước, lực lượng CAND đã đồng lòng hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những ngày chiến sự đầy căng thẳng, lực lượng CA xung phong Hà Nội và CA các địa phương đã mưu trí, dũng cảm trong tiêu diệt, vây hãm địch, bảo vệ an toàn cơ quan chính quyền, vận chuyển tài liệu, kho tàng, tài sản quốc dân và tản cư Nhân dân ra khỏi vùng chiến sự. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ, lực lượng CAND đã lập nhiều chiến công hiển hách, đập tan mọi âm mưu, hoạt động gián điệp, đảo chính của kẻ địch. Nhiều cán bộ, chiến sĩ CA dũng cảm, kiên cường, hy sinh thân mình vì Tổ quốc thân yêu. Cùng với sự phát triển của đất nước, lực lượng CAND không ngừng lớn mạnh và tinh nhuệ.

Tháng Tám, những mốc son lịch sử của dân tộc và lực lượng CAND luôn được nhắc đến trong gia đình của tôi. Năm nào cũng vậy, mẹ tôi và các bạn của bà luôn đón chờ ngày Kỷ niệm thành lập ngành CAND. Họ là thế hệ các chiến sĩ CA làm việc tại Thủ đô sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhóm bạn về hưu của bà mỗi lần gặp gỡ nhau đều ôn lại kỷ niệm của một thời thanh xuân rực rỡ. Trước ngày thành lập ngành vài ngày, các đồng chí CA phường tới tận nhà tặng hoa, tặng quà tri ân. Mẹ của tôi vui rộn ràng, bà pha trà mời các đồng nghiệp trẻ, cùng trao đổi về tình hình an ninh trật tự trong khu phố. Tiếp đến là cuộc gặp gỡ của cơ quan cũ, được tổ chức trang trọng tại hội trường lớn với sự góp mặt của các thế hệ trong ngành CA. Khi trở về, ánh mắt bà rạng ngời sự tự hào và hạnh phúc bởi thế hệ trẻ vẫn nhớ và tri ân lớp người đi trước.

Thế hệ chúng tôi lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa, nhưng ngọn lửa cách mạng, lòng yêu nước vẫn được trao truyền qua nhiều thế hệ với những ký ức sáng mãi cùng thời gian.