Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người cựu chiến binh tạo ra “nhãn chín muộn” Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với phẩm chất của một anh bộ đội cụ Hồ, không chịu khuất phục mọi khó khăn, ông Triệu Tiện Ích, CCB phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội) đã nghiên cứu và cùng với các nhà khoa học xây dựng thành công thương hiệu “nhãn chín muộn” Hà Nội.

Ông Triệu Tiện Ích, sinh năm 1953 tại phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội), nhập ngũ từ năm 1971, tham gia nhiều chiến trường: Miền Nam, Lào, Campuchia và đến 1983 ông xuất ngũ về địa phương. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Tâm cùng là bộ đội xuất ngũ năm 1975. Cả hai cùng là quân nhân xuất ngũ, khi  về địa phương không có nghề nghiệp nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. 

Khi Nhà nước chuyển đổi cơ chế mới, sản xuất nông nghiệp cũng chuyển từ sản xuất tập trung sang khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình. Không có đất đai sản xuất, nhưng với quyết tâm không phải sống trong cảnh thiếu thốn, đói nghèo, ông Ích đã bàn với gia đình đấu thầu 2,2ha đất  khu vực ven sông Đáy thuộc xã An Thượng, huyện  Hoài Đức để phát triển kinh tế gia đình. 

 
Người cựu chiến binh tạo ra “nhãn chín muộn” Hà Nội - Ảnh 1
CCB Nguyễn Thị Tâm (vợ CCB Triệu Tiện Ích) giới thiệu vườn nhãn chín muộn của gia đình.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông Ích cho biết: Nếu chỉ tập trung vào nghiên cứu, nhân giống cây thì thời gian quay vòng vốn  dài hàng năm, có khi lên đến vài năm mới có cây giống đưa ra thị trường, do đó trong trang trại ông thực hiện trồng và nhân nhiều loại giống cây ăn quả, đồng thời kết hợp với chăn nuôi lợn rừng, gia cầm và cá sấu. Lợn và gia cầm là những con có vòng quay ngắn để lấy đó nuôi những mục tiêu phát triển dài, bền vững.

Mọi sự tính toán đều có giới hạn, ngay những năm đầu ông bị thua lỗ do chưa biết kỹ thuật trồng cây và chăn nuôi. Nhưng đây chính là động lực để ông quyết tâm đi khắp các vùng miền, nơi có những gương điển hình sản xuất giỏi để học tập kinh nghiệm, và ở đâu có đặc sản quý ông đều đến để nghiên cứu xem có phù hợp để nuôi trồng tại đồng đất ở trang trại của mình.

Giống nhãn chín muộn có trên thị trường là giống nhãn được ông phát hiện khi đi thâm nhập, nghiên cứu ở các địa phương, trong đó có Hưng Yên, đất tổ của nhãn lồng. Sau khi phát hiện ông Ích đã mời các nhà khoa học của Viện nghiên cứu rau quả Trung ương nghiên cứu, kết hợp các tổ hợp gien đột biến chín muộn của nhãn để đưa ra các giống, như: HTM-1; HTM-2, là các giống nhãn của địa phương thuộc các xã ven sông Đáy; các giống từ HT1 đến HT7 được ông nghiên cứu đưa về từ nhiều địa phương khác nhau. Năm 2006, giống nhãn chín muộn của ông Ích được công nhận thương hiệu và có địa lý chỉ dẫn là thôn Lại Dụ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Đến nay, mỗi năm trại giống của gia đình ông Ích cung cấp ra thị trường hàng vạn cây giống nhãn chín muộn, cùng hàng vạn giống cây quý cho giá trị kinh tế cao như: bưởi Diễn,  mít Thái trang gai, chanh đào, xoài Đài Loan.

Riêng đối với cây nhãn chín muộn, ông không chỉ sản xuất ra giống cây mà thường xuyên tìm hiểu từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây, từ đó còn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con về phương pháp trồng, chăm sóc sao cho năm nào nhãn cũng cho năng suất cao.

Đối với những hội viên CCB trong phường, ông Ích hỗ trợ đào tạo miễn phí về kỹ thuật ươm, chiết cây giống, trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả cao. Đến nay, ông Ích đào tạo miễn phí hàng nghìn lượt CCB về kỹ thuật sản xuất, thâm canh cây trồng.

Nhờ nghiên cứu của ông với kỹ thuật thâm canh tốt, kết hợp với thời vụ thu hoạch lệch đi mà  bà con trồng nhãn chín muộn đang có thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần so với nhãn chính vụ trên cùng diện tích đất sản xuất. 

Hiện nay, giống nhãn muộn đang được bà con ở nhiều tỉnh, thành phố đến mua về trồng phát triển vùng hàng hóa. Giống nhãn muộn đã được một số doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu đi nước ngoài theo đơn đặt hàng vào năm 2015. Để mở rộng diện tích, và để xây dựng thương hiệu bền vững cho cây nhãn chín muộn Hà Nội, ông đang kết hợp với Viện nghiên cứu giống cây trồng miền Nam đưa giống cây và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân miền Nam.

Ông Ích chia sẻ: Nếu cây nhãn chín muộn được ph
át triển ở miền Nam thì không chỉ mang lại sự bền vững cho giống nhãn chín muộn của Hà Nội mà còn mang lại thu nhập bền vững cho nhiều hộ dân khi quả nhãn được xuất khẩu.
Những chiếc Cup ông Triệu Tiện Ích vafgia đình nhận được do các cơ quan trong và ngoài nước trao tặng
Những chiếc Cup của ông Triệu Tiện Ích và gia đình nhận được trao tặng.
Với những thành tích đạt được, ông Triệu Tiện Ích đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO trao tặng Bảng vàng “Doanh nhân văn hóa”;  Trung tâm giống cây trồng Lại Dụ do ông làm chủ được công nhận “Đơn vị điển hình về thực hiện trách nhiệm xã hội và phát huy bản sắc văn hóa VN” vì có thành tích đóng góp phát triển chung vì ng nghèo và biên giới, hải đảo; giải thưởng quốc gia “công nghệ xanh” … Đặc biệt năm 2014, ông được trao giải "Cúp vàng Top ten thương hiệu Việt ứng dụng khoa học công nghệ", đây là giải thưởng nhằm động viên và tôn vinh các doanh nghiệp đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cung ứng ra thị trường những sản phẩm/dịch vụ chất lượng, xây dựng thương hiệu phát triển bền vững.