Lừa đảo đầu tư đã được Cục An toàn thông tin đánh giá là 1 trong 6 điểm nóng về lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam.
Theo cục An toàn thông tin, từ vụ việc Phó Đức Nam - TikToker Mr Pips dụ dỗ các nạn nhân tham gia hoạt động đầu tư trực tuyến để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 5.200 tỷ đồng cho thấy những mối nguy từ cạm bẫy lừa đảo đầu tư tài chính.
Theo đó, đường dây lừa đảo của Mr Pips với gần 2000 nhân viên, sử dụng nhiều tài khoản Zalo, Telegram, Viber để lập ra các hội nhóm đầu tư, đăng tải các bài viết của chuyên gia tài chính, giả mạo để dụ dỗ các nạn nhân.
Cụ thể: nhóm đối tượng sử dụng các thủ đoạn để dụ dỗ khách hàng giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp, có lãi và rút được tiền sau đó chúng lôi kéo nạn nhân tiếp tục tăng vốn giao dịch. Trong quá trình đó, các đối tượng cung cấp các thông tin sai sự thật liên quan tới sàn đầu tư.
Khi người tham gia không có khả năng về tài chính, nhóm đối tượng can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt số tiền của người tham gia.
Ngoài ra, các sản giao dịch không có giấy phép hoạt động rõ ràng, lợi nhuận hứa hẹn quá cao và yêu cầu nạp tiền liên tục. Khi đầu tư bị thua lỗ, các đối tượng sẽ thuyết phục nạn nhân nạp thêm tiền để gỡ gạc.
Cục An toàn thông tin cho biết, các thủ đoạn đầu tư tài chính của các đối tượng như Mr Pips đã nhiều lần được khuyến cáo. Tuy nhiên, nhiều người ham lợi trước mắt, nhẹ dạ cả tin nên vẫn bị dụ dỗ.
Theo đó, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân tuyệt đối không tin tưởng vào các lời mời đầu tư lợi nhuận cao; cẩn trọng khi tham gia các nhóm kín, nhóm cộng đồng khi chưa xác minh thông tin. Khi tham gia đầu tư dự án cần tìm hiểu rõ về tổ chức, cá nhân kêu gọi đầu tư (giấy phép hoạt động, chứng chỉ liên quan cũng như những người dùng khác).