Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân "chen nhau” vào các siêu thị sắm Tết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, không khí mua sắm tại các siêu thị nóng lên từng giờ. Tranh thủ những ngày sát Tết người dân kéo nhau đi mua sắm khiến nhiều siêu thị bị quá tải.

KTĐT - Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, không khí mua sắm tại các siêu thị nóng lên từng giờ. Tranh thủ những ngày sát Tết người dân kéo nhau đi mua sắm khiến nhiều siêu thị bị quá tải.

Rồng rắn vào siêu thị

Phóng viên đã có mặt tại siêu thị Big C trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) vào chiều ngày 28/1 (tức ngày 25 tháng Chạp), dòng người nối đuôi nhau xếp hàng ngay từ vòng gửi xe bất chấp cái giá lạnh. Bên trong hàng trăm người tay xách nách mang xếp hàng đợi thanh toán dù siêu thị đã mở tối đa các cửa tính tiền.

Chị Linh và chồng ở Nhân Chính, Hà Nội khệ nệ tay xách, nách mang những túi đồ khá lớn rời siêu thị. Ngoài việc mua thức ăn cho gia đình, chị mua thêm đủ các loại mắm, muối, hạt nêm, rồi đồ uống, bánh kẹo, mứt, hạt dưa, hạt dẻ... chuẩn bị cho những ngày Tết. Tổng số tiền mà chị bỏ ra lên tới 3 triệu đồng. Chị cho biết từ nay đến Tết, vẫn phải quay lại siêu thị ít nhất hai lần nữa để sắm thêm các đồ dùng cần thiết khác.

Mặc dù nhà gần siêu thị Fivimart trên phố Nguyễn Văn Cừ, nhưng do bận kinh doanh hàng quần áo nên mấy ngày nay chị Lâm nhấp nhổm không yên vì nhiều khi đang bán hàng, mấy bà hàng xóm lại tụ tập rủ rê vào siêu thị sắm Tết để tránh giá cả tăng từng ngày.

“Đi đông cùng nhóm thì mua được nhiều hàng bởi bình thường siêu thị vốn giới hạn, ví dụ dầu ăn không được thanh toán quá 3 can to một lúc vì sợ dân buôn vào ôm, nên mấy chị em phải thay phiên nhau, đợi lúc nào họ bày nhiều hàng thì người đứng ngoài trông đồ, người khác vòng lại mua tiếp” - chị Lâm bật mí.

Được mấy cửa hàng quen “mách nhỏ” nên sắm hàng dự trữ, vì giá cả còn tăng cao, chị  Phùng Mai Hương (phố Quán Sứ) cho biết, chị đã tiết kiệm được đến tiền trăm khi kịp thời mua sớm chục hộp bánh và hơn chục cân mỳ chính, bột nêm từ đầu tháng Mười hai để làm quà biếu họ hàng ở quê dịp Tết Nguyên đán.

Sắm Tết tại Fivimart không chỉ có người Hà Nội mà rất nhiều người ở các tỉnh lân cận Hà Nội cũng đã mua sắm tại đây. Vợ chồng anh Cao và chị Nhung ở Hà Nam tiện lên Hà Nội chúc Tết đã tranh thủ vào siêu thị sắm Tết cho cả gia đình từ các đồ dùng thiết yếu cho tết đến xoong nồi, tivi tổng cộng hết 35 triệu đồng.

“Tôi chẳng biết mua rượu ở đâu đảm bảo, tin tưởng vào siêu thị nên tôi đã mua 5 chai Hennessy để đi biếu các đối tác, cùng một công đằng nào cũng tiện ô tô,” anh Cao tâm sự.

Theo anh Nhân, bảo vệ siêu thị Big C thì số lượng xe đến siêu thị tăng đến chóng mặt. “Trong tháng vừa qua lượng khách đến mua sắm đến siêu thị ngày càng đông. Bình thường siêu thị mở cửa đến 20h nhưng càng gần Tết lượng khách hàng càng đông, có đợt cao điểm siêu thị mở cửa đến 22-23 giờ đêm và hiện nay thì siêu thị mở cửa từ 0 giờ để giãn khách”- anh Nhân cho biết.

Trong khi đó, các siêu thị khác như Metro, Hapro Mart… cũng đều trong tình trạng tương tự. Các siêu thị dự đoán, những ngày cận Tết không khí mua hàng sẽ còn nóng hơn rất nhiều bởi khi đó nhiều công chức được nghỉ mới đi sắm sửa đồ dùng cho gia đình. Chính vì vậy các siêu thị đều tăng cường chuẩn bị hàng hóa, đặc biệt là các món ăn ngày Tết như bánh chưng, giò chả, rượu bia, nước giải khát, thực phẩm, rau quả tươi và các mặt hàng đồ gia dụng khác với lượng hàng tăng khoảng 30-50% so với năm ngoái.

Chờ 1 tiếng mới được thanh toán

Hàng loạt chương trình "Khuyến mãi đặc biệt", "Giảm giá 50%", "Mua hàng trúng xe 4 bánh"... của các siêu thị điện máy Pico, MediaMart, TopCare... là lý do để nhiều người dân Thủ đô và các tỉnh không quản đường xa về mua sắm dịp trước Tết.

Hiệu ứng mua sắm này, tất nhiên đi kèm với tình trạng quá tải. Tại các điểm tính tiền của siêu thị, khách hàng đẩy xe đầy ắp hàng hóa, xếp hàng dài, nhẫn nại chờ tính tiền. Rất nhiều khách hàng đã không đủ kiên nhẫn để thanh toán vì tình trạng chen lấn và mất thời gian.

Chị Nguyễn Thị Cậy ở D4 Tập thể Thành Công, Ba Đình cho biết, trưa 24/1, mấy mẹ con chị đã chọn được rất nhiều thứ dùng cho gia đình trong mấy ngày Tết nhưng khi ra thanh toán nhìn thấy người xếp hàng dài, không đủ kiên nhẫn 3 mẹ con đã bỏ lại hàng ra về tay không.

Còn chị Lý ở Cầu Diễn đã phải đứng hơn 1 tiếng tại siêu thị Big C mới thanh toán được chỗ hàng mới lấy.

Theo chị Lý, vào Big C mua hàng, giá cả bình dân nhưng điều khiến mọi người e ngại nhất vẫn là chuyện thanh toán. Bởi bình thường, các ngày nghỉ siêu thị đã đông đúc thì những ngày lễ Tết, tình trạng xếp hàng chờ đến lượt càng căng thẳng hơn.

Rất nhiều khách hàng không đủ kiên nhẫn như chị Cậy đã bỏ lại giỏ hàng lỉnh kỉnh đồ đạc để đi về dù trước đó, họ đã phải đánh vật cả tiếng đồng hồ trong dòng người lũ lượt mới chọn được hàng để mua. Nhân viên siêu thị BigC liên tục được gọi đến các quầy thanh toán để gom đồ khách bỏ lại.

Trong khi đó anh Nam khu tập thể Giảng Võ lại nảy ra sáng kiến: “Do biết là sẽ phải xếp hàng thanh toán tiền nên tôi đứng sẵn ở đây để bà xã cùng con gái đi một vòng mua đồ, thế mà khi hai mẹ con mua sắm xong vẫn phải thêm 15 phút nữa mới đến lượt mình thanh toán.”

Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc siêu thị Big C cho biết: Trong mấy ngày vừa qua doanh số bán hàng của siêu thị tăng 40% so với các ngày trước, khách hàng tăng hơn 70%. Riêng trong ngày Chủ nhật 23/1, tổng lượt khách vào mua sắm lên tới 100.000, trong đó từ nửa đêm đến sáng có khoảng 10.000 lượt.

Mặc dù Big C đã tăng thêm 30% số quầy thu ngân (lên 101 quầy) nhưng nhiều khách hàng, phải mất hàng giờ trong không khí chen lấn, ngột ngạt mới đến lượt thanh toán.

Hệ thống siêu thị Fivimart cũng lâm vào cảnh quá tải từ hơn một tuần nay. Tại các điểm tính tiền, khách thường xuyên phải xếp hàng dài mặc dù siêu thị đã sắp xếp thêm điểm tính tiền mới. Nhân viên tại đây cho biết, sức mua tại hệ thống siêu thị này đã tăng 50% so với ngày thường. Để hạn chế cảnh khách hàng phải xếp hàng lâu chờ tính tiền, Fivimart đã liên tục giới thiệu dịch vụ siêu thị trực tuyến áp dụng với đơn hàng từ 500.000 đồng trở lên nhưng tình trạng quá tải vẫn diễn ra.

Để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định tạm ứng 400 tỷ đồng, nhiều hơn năm trước 150 tỷ để các doanh nghiệp dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trước, trong và sau Tết.

Hiện Hà Nội có 396 điểm bán hàng bình ổn giá. Hàng hóa được bình ổn giá là thịt gia súc gia cầm, dầu ăn, trứng gia cầm, thuỷ hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến, rau củ quả, đường... sẽ được bán thấp hơn giá thị trường là 5%.

Đại diện cho Công ty Cổ phần Nhất Nam quản lý hệ thống siêu thị Fivimart, Phó Tổng giám đốc Đặng Thị Đan Tâm cho biết: Cũng như các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá trên thị trường lần này, theo cam kết, tại các siêu thị Fivimart, các mặt hàng thiết yếu phục vụ trong dịp Tết đều có bán giá thấp hơn thị trường tự do khoảng 5%./.