Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân "găm" 500 tấn vàng: Vàng không thể tự sinh ra vàng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xét về lâu dài việc người dân gom tiền mua vàng chỉ để cất đi sẽ gây nhiều thiệt hại về mặt kinh tế.

Trên đây là lời khẳng định của Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong trong cuộc trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về 500 tấn vàng đang được người dân cất giữ. Ông Phong khẳng định rằng, mua một chỉ vàng rồi cất đi, dù có để cả trăm năm thì đó vẫn chỉ là một chỉ vàng, giữ vàng như vậy thì người mua rất thiệt hại.

PV: Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, hiện có khoảng 500 tấn vàng đang nằm “chết” trong dân. Thưa ông, thông tin này nói lên điều gi?

Ông Nguyễn Minh Phong: Trước hết cần phải khẳng định rằng vàng đối với Việt Nam có một ý nghĩa khá đặc biệt, thậm trí còn đặc biệt hơn so với nhiều quốc gia khác. Người dân rất trọng vàng dù bây giờ họ có nhiều sự lựa chọn khác nhưng vàng luôn là lựa chọn hàng đầu để đảm bảo an toàn tài chính cá nhân. Điều này giải thích vì sao lượng vàng trong dân còn rất lớn.

Bên cạnh đó, trong thời kỳ lạm phát, người dân mất lòng tin với đồng tiền khiến họ quay sang lựa chọn vàng làm tài sản dự trữ. Không những thế, trên thế giới vàng đang là công cụ có tính thanh khoản cao nhất cho đến nay, cho nên nó vẫn được coi là đồng tiền chung của thế giới. 

Việc đang có một lượng lớn vàng trong dân, nếu xét ở góc độ tịch cực, đây là một tín hiệu tốt cho Việt Nam.

 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
PV: Nhưng nếu chỉ giữ vàng như vậy bản thân người dân sẽ mất đi nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh. Vậy có nên tìm cách huy động nguồn vàng này để đầu tư phát triển đất nước, thưa ông ?

Ông Nguyễn Minh Phong: Chính vì việc người dân cất giữ một lượng vàng lớn thể hiện tín hiệu tốt cho nên không nên hạn chế hành động này. Nếu có huy động vốn từ vàng thì không nên đặt mục tiêu huy động bằng hết 500 tấn vàng này để đưa vào quản lý nhà nước hoặc sử dụng vì những người nghèo họ chỉ có một chút tài sản và việc cất giữ sẽ đảm bảo an toàn cho chính họ.

Hiện nay, việc cần huy động số vàng nói trên chính là do sự trì trệ của khối tài sản này. Điều này không có gì mới, trước đây Chính phủ đã làm rồi là huy động tiết kiệm tiền gửi bằng vàng, ngân hàng thì huy động vàng và cho vay, trả nợ bằng vàng. Tuy nhiên nếu làm lại theo cách này cũng cần xem xét để điều chỉnh lại lưu lượng, mức độ, hạn chế vàng trong kinh doanh cũng như huy động vốn để có thể phát triển thêm thị trường vàng.

Tôi cho rằng việc huy động vàng với tư cách là một nguồn vốn, vốn rẻ, vốn tiềm tàng, vốn an toàn... là cần thiết. Bởi vì, sẽ rất đáng tiếc nếu người dân cứ tích được một đồng rồi mua một chỉ vàng để cất đi, họ để cả trăm năm vẫn là một chỉ vàng, mà nếu giữ như vậy thì bản thân họ cũng rất thiệt hại. Ngày xưa một chỉ vàng hay một cây vàng là mua được một căn nhà, nhưng bây giờ với số lượng như vậy chỉ mua được một mét vuông. Vì thế rõ ràng chỉ giữ vàng thuần túy trong dân là không có lợi về kinh tế, nhưng nếu đặt vấn đề là không cho dân giữ vàng cũng không đúng. 

Vì vậy, Chính phủ cần đánh giá lại một cách khách quan, dài hạn và tổng quan về thị trường vàng để có thể thấy tác động hai mặt của huy động vàng và nhìn lại bài học huy động vàng những năm vừa qua, cũng như có những kịch bản để huy động vàng trong những năm tới để từ đó có những phản biện đầy đủ hơn.

Theo tôi mục tiêu trong kịch bản huy động này cần phải có một số điểm nhấn sau: Thứ nhất, coi huy động là cần thiết nhưng không huy động bằng hết, chỉ huy động một phần; Thứ hai, dựa trên cơ sở tự nguyện và an toàn; Thứ ba, huy động để phục vụ và được quản lý bởi những tổ chức có trách nhiệm, tập chung chứ không phải huy động tràn lan, chỉ cho phép một số ngân hàng, một số tổ chức thực hiện, chứ không phải tất cả cùng huy động.

Với người dân thì huy động bằng vàng và phải trả bằng vàng, lãi suất có thể thấp cũng được. Như vậy, thay vì người dân phải trả phí để gửi ngân hàng hoặc giữ ở nhà thì có thể cho ngân hàng vay nhưng phải đảm bảo an toàn không sẽ ngây tình trạng xã hội hỗn loạn giống như vỡ tín dụng.

PV: Còn có ý kiến cho rằng nên thu gom vàng trong dân để đầu tư cơ bản và làm tài sản thế chấp vay nợ nước ngoài. Theo ông phương án này có khả thi không?

Ông Nguyễn Minh Phong: Về nguyên tắc thế chấp là phương án khả thi nhất, chúng ta chỉ có thể dùng vàng như một động tác để vay được vốn giá rẻ thế giới. Bây giờ ai đó đặt vấn đề bán ra lấy tiền rồi sau đó cần thì mua để trả lại sẽ là phương án cực kỳ rủi ro. Nếu không mua lại được hoặc mua lại với giá cao hơn bán sẽ tạo ra tình huống quốc gia bị chảy máu vàng, trong dân cháy vàng, cuối cùng chỉ còn lại các công cụ nợ bằng giấy. Nhà nước nợ dân, ngân hàng nợ dân cuối cùng trả nợ bằng giấy là "chết".

Hãy nhìn cách làm của Mỹ, họ rất khôn ở chỗ là có các giao dịch vàng nhưng vàng cố định, đặc biệt không có chuyện mua bán mang tính chất kiểu đầu cơ đám đông.

Vâng, cám ơn ông !