Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân mong muốn TP Hồ Chí Minh tổ chức xe bán thực phẩm lưu động trong thời gian giãn cách

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bước vào ngày thứ 4 (ngày 12/7) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, dù TP Hồ Chí Minh đã chủ động dự trữ hàng hóa lên đến 120.000 tấn, thực trạng thiếu hụt thực phẩm thiết yếu (rau củ, cá, thịt, trứng…) vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều siêu thị và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn.

Đứng trước nghịch lý này, nhiều ý kiến cho rằng TP Hồ Chí Minh nên xem xét việc tổ chức xe bán thực phẩm lưu động cho dân trong hơn 2/3 thời gian giãn cách còn lại, để vừa đảm bảo an toàn cho người dân TP, vừa đảm bảo hoàn thành mục tiêu chống dịch Covid-19.
Chia sẻ với PV báo Kinh tế&Đô thị, cô Nguyễn Thị Vân (đường 3/2, phường 10, quận 10, TP Hồ Chí Minh) cho biết, cách đây vài ngày cô đọc báo thấy TP Hồ Chí Minh đang tổ chức xe tiêm vaccine Covid-19 lưu động theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Từ đây, cô nảy ra ý nghĩ, giá như TP Hồ Chí Minh cũng thực hiện chương trình này để giao thực phẩm đến tận nhà cho người dân thì tốt biết mấy.
 Quầy rau siêu thị ở TP Hồ Chí Minh hết từ 9 giờ sáng ngày 12/7
“Tôi là người trực tiếp đi siêu thị để mua thức ăn cho cả gia đình, nên tôi hiểu rất rõ. Từ khâu phát phiếu, xếp hàng, cho đến mua được hàng…dù cẩn thận phòng dịch vẫn sẽ có những rủi ro nhất định. Đó là chưa bàn đến việc đi mua nhưng siêu thị hết hàng, phải tiếp tục đi thêm nhiều lần khác” - cô Vân nói.
Từ những trải nghiệm thực tế, cô Vân mong muốn chính quyền TP Hồ Chí Minh để tâm đến việc tổ chức xe bán và giao thực phẩm lưu động cho người dân. Theo cô Vân, việc làm này sẽ đảm bảo thực phẩm được chia đều đến mọi nhà, tránh tình trạng tích trữ “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Chưa kể, việc lợi dụng dịch bệnh để đẩy giá thực phẩm lên cáo cũng sẽ được ngăn chặn. Và quan trọng hơn cả, là người dân không phải ra khỏi nhà, tránh tập trung đông người, ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Về phương pháp thực hiện, cô Vân cho biết, hệ thống chính quyền của TP Hồ Chí Minh phân cấp chặt chẽ từ quận, phường, khu phố, tổ dân phố. Vì vậy, tổ dân phố là gần gũi và sâu sát nhất với người dân, do đó tổ dân phố sẽ chịu trách nhiệm thông báo đến người dân trong tổ mình phụ trách về thời gian, địa điểm, giá thành để nhận thực phẩm. Đồng thời, ghi nhận lại từ người dân cụ thể số lượng, nhu cầu thực phẩm của từng hộ gia đình để thông báo lại phía đội bán hàng lưu động chuẩn bị.
“Ví dụ, cứ 8 giờ sáng các ngày 3,5,7 (hoặc 2,4,6) trong tuần sẽ có xe lưu động đến giao thực phẩm, các hộ dân phân chia theo từng đợt, lần lượt ra nhận hàng, đảm bảo phòng dịch như giãn cách, đeo khẩu trang…” - cô Vân nói thêm.
 Nhiều siêu thị tăng lượng hàng 2-3 lần, kệ thịt, cá vẫn trống trơn chỉ sau 1-2 giờ đồng hồ
Tán thành với ý kiến của cô Vân, anh Đoàn Thoại Du (Văn Thân, phường 8, quận 6, TP Hồ Chí Minh) đánh giá, sáng kiến dùng xe lưu động bán và giao thực phẩm tới nhà người dân rất hay, rất phù hợp với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, theo anh Du nhược điểm lớn nhất của cách làm này là thực phẩm, hàng hoá khi đến tay người dân sẽ không tươi ngon được như khi bảo quản và bày bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
“Nói chung cách làm nào cũng sẽ có hai mặt, cái được và cái mất. Nếu thấy cái được nhiều hơn thì nên làm. Trong thời điểm giãn cách như thế này, khoan bàn đến chuyện ăn ngon, cứ phải ăn no trước đã” - anh Du phân tích.
Ngoài ra, theo anh Du, để dễ dàng cho người dân khi nhận thực phẩm từ các xe lưu động, cũng như rút ngắn thời gian tiếp xúc, hàng hóa trên xe nên được phân chia trước. Ví dụ, túi nilong màu xanh là 5kg rau, túi nilong màu vàng là 3kg thịt, túi nilong màu đen là 4kg cá…
Cũng với tinh thần ủng hộ, chị Hoàng Ngọc Anh (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh) nhận định, việc dùng xe lưu động bán và giao thực phẩm tới nhà dân nghe có vẻ lạ nhưng hoàn toàn khả thi.
“Thực tế nếu tính theo quy mô tổ dân phố thì mô hình xe lưu động giao thực phẩm cũng gần giống xe gom rác hằng ngày. Chỉ cần mỗi khu phố, mỗi tổ dân phố tự ý thức làm tốt phần việc trên địa bàn mình thì hiển nhiên toàn TP sẽ tốt” - chị Ngọc Anh dẫn chứng.
Đặc biệt, chị Ngọc Anh nhấn mạnh, những ngày vừa qua sống trong tâm dịch chị mới hiểu tường tận tính mạng, sức khỏe quan trọng biết nhường nào: “Tôi mong lãnh đạo TP lắng nghe, xem xét tổ chức thực hiện xe lưu động bán và giao thực phẩm tới nhà cho người dân trong hơn 10 ngày giãn cách còn lại” - chị Ngọc Anh đề xuất.
 Từ ngày 9-11/7, giá mướp hương đã chênh nhau 20.000 đồng/kg; thịt nạc heo xay chênh nhau 22.000 đồng/kg...
Tin tưởng rằng TP Hồ Chí Minh sẽ không bao giờ thiếu hàng hóa trong suốt thời gian giãn cách, tuy nhiên anh Ngô Quang Sơn (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) vẫn đồng tính với phương án dùng xe lưu động bán và giao thực phẩm tới nhà cho người dân: “Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đang rất phức tạp, nhưng quyết định áp dụng Chỉ thỉ 16 của TP là quyết định chủ động. TP Hồ Chí Minh đã cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng cho người dân trong 15 ngày này. Bằng chứng là nguồn dự trữ hàng hoá lên đến 120.000 tấn, song nếu đổ dồn về các kênh mua sắm khiến siêu thị, cửa hàng và các trang bán hàng online bị quá tải, tắc nghẽn thì không nên. Vẫn biết phương thức dùng xe lưu động phân phối hàng đến tận nhà sẽ rất vất vả nhưng chắc chắn sẽ hiệu quả” - anh Sơn quả quyết.
Xoay quanh đề xuất tổ chức xe lưu động giao thực phẩm cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội, trao đổi với PV báo Kinh tế&Đô thị, đại diện một đơn vị dữ trữ cung cấp hàng ở TP Hồ Chí Minh (xin được giấu tên) nhận xét, đề xuất này sẽ khó thực hiện trong bối cảnh nguồn nhân lực của toàn TP đang phải vắt kiệt sức lực cho công tác chống dịch. Tuy nhiên, vị này cho biết, vì thấy đề xuất hay nên sẽ nghiên cứu, xem xét và đề xuất đến lãnh đạo các cấp.
Chiều ngày 12/7, PV báo Kinh tế&Đô thị đã trao đổi với cán bộ Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh (vị này xin không nêu tên) về những mong muốn của người như nêu trên. Theo đó, vị này cho biết, thực tế, phương án dùng xe lưu động bán và giao thực phẩm đến nhà người dân đã nằm trong kế hoạch phòng dịch Covid-19 ngay từ đầu của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đề xuất có được thực hiện hay không còn phải đợi sự thông qua, xem xét kỹ lưỡng từ các cấp lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, từ 0 giờ ngày 31/5, TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng trong vòng 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 giãn cách theo Chỉ thị 16.
Nhưng do TP Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng nên đến ngày 14/6, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tiếp tục chỉ đạo giãn cách xã hội toàn địa bàn theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần, từ 0 giờ ngày 15/6 đến 0 giờ ngày 29/6.
Đến ngày 19/6, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị số 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP; tạm ngưng các chợ tự phát, dừng vận chuyển hành khách công cộng...
Đến ngày 7/7, UBND TP Hồ Chí Minh có quyết định áp dụng Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19 trên toàn TP, kể từ 0 giờ ngày 9/7, thời gian áp dụng 15 ngày. Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh đang ở ngày thứ 4 trong hành trình 15 ngày giãn cách.