KTĐT - Là con thứ 4 trong gia đình 5 anh em, tại làng Jut 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai, anh Niêu sinh ra đã mù đôi mắt.
Dù bị mù bẩm sinh, nhưng với tình yêu âm nhạc và quyết tâm chiến thắng số phận, anh Ksor Niêu (38 tuổi) đã thổi hồn cho âm nhạc bằng cây đàn Goong và giành huy chương vàng trong Hội thi Thể thao - Văn nghệ người khuyết tật toàn quốc năm 2010.
Trời không cho anh đôi mắt nhưng lại cho anh cái đầu biết định hướng và trí nhớ hơn người. Bởi vậy khi mới lên 10 tuổi, cậu bé mù Ksor Niêu đã khiến cả làng phải ngạc nhiên thán phục khi có thể ung dung tự đi đến tất cả mọi nhà trong làng mà không nhầm đường, không vấp ngã...
Và cuộc đời anh Niêu “bừng sáng” thật sự khi anh được tiếp xúc với âm nhạc. Từ khi mới 5 tuổi, mỗi lần làng có lễ hội, khi mọi người mải ca hát, nhảy múa, ăn uống… cậu bé Niêu cứ ngồi im một chỗ, cố gắng lắng nghe từng nhịp chiêng đang vang lên. Chờ khi họ thả chiêng xuống góc nhà rông, cậu mới lần tìm tới chỗ để chiêng và tập đánh lại theo những gì mình đã được nghe. Cứ như vậy, chỉ sau hai mùa lễ Bơ, Niêu đã đánh chiêng một cách thành thạo.
Đàn Goong là loại nhạc cụ truyền thống của người J’rai, được làm từ quả bầu khô với một ống nứa dày và 15 dây đàn. Tiếng đàn Goong nghe rất thanh thoát, nhẹ nhàng, nhưng rất khó đánh; cả huyện Ia Grai chỉ có mình thầy Ty mù biết đánh.
Niêu tìm đến nhà thầy Ty xin học. Chỉ sau 20 ngày, cậu học trò xuất sắc Ksor Niêu đã đánh được bản nhạc đầu tiên. Ròng rã từ đó, cây đàn Goong gắn với cuộc đời anh Ksor Niêu. Gần 30 năm nay, thầy Ty đã mất, anh vẫn luôn miệt mài tìm ánh sáng cuộc đời mình trong tiếng đàn. Cứ mỗi mùa lễ hội, anh lại là nhạc công chính. Người trong làng có chuyện buồn lại tìm đến anh để nghe tiếng đàn Goong. “Ai buồn cũng tìm đến mình để nghe đàn Goong, khi nghe xong là hết buồn, về lên rẫy thôi”, anh Niêu tự hào khoe.
Tiếng đàn của anh đã bay xa khắp xã Ia Dêr. Anh được đoàn nghệ thuật Cồng chiêng Tây Nguyên mời vào đoàn đi khắp nơi biểu diễn. Và tháng 7/2010 vừa qua anh đã đạt huy chương vàng Hội thi Thể thao - Văn nghệ người khuyết tật toàn quốc lần thứ IV năm 2010, với bài “Lên rẫy”.
“Bài này mình tập một tuần trước khi thi. Mình chọn nó vì nghe mọi người nói lên rẫy vui lắm, xa lắm, phải qua núi này, núi kia… Mình không được đi nên tưởng tượng để đánh thôi”, anh Niêu chia sẻ - lời chia sẻ thật thà đến nặng lòng của một người khiếm thị.