Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân và du khách là chủ thể

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Festival Huế lần thứ 8 - năm 2014 (diễn ra từ 12 - 20/4/2014) là nơi tụ hội của các thành phố cố đô Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới - một cơ hội để tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam và văn hóa Huế. Ở đó, người dân và du khách vừa là chủ thể sáng tạo vừa là chủ thể hưởng thụ.

Không ngại “cháy phòng”

Thời điểm này mọi công việc chuẩn bị cho lễ khai mạc Festival Huế lần thứ 8 đang rất khẩn trương. Kịch bản khai mạc cơ bản đã hoàn thành trên cơ sở rút kinh nghiệm của 7 lần festival trước.

 
Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Festival Huế năm 2012.      Ảnh: Lê Huyền
Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Festival Huế năm 2012. Ảnh: Lê Huyền
Với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển", chương trình khai mạc sẽ giới thiệu các nền văn hóa thế giới, văn hóa của Việt Nam, đặc biệt là các di sản đã được UNESCO công nhận. NSND Lê Ngọc Cường - Tổng đạo diễn chương trình khai mạc, cho biết: "Trong chương trình nghệ thuật, chúng tôi sẽ tôn vinh văn hóa kết hợp với sự phát triển và giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc nhất của Huế. Chúng tôi hướng đến Huế với trữ lượng di sản rất lớn và có nhiều đề tài để phản ánh. Chương trình khai mạc được kết cấu 3 chương, xen kẽ sự tham gia của một số đoàn nghệ thuật và ca sĩ Việt Nam, các đoàn quốc tế…". Đây cũng là tinh thần chung của Festival 2014: Đổi mới, mang màu sắc phát triển. Ông Ngô Hòa - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2014 cho biết thêm: "Điểm nhấn của Festival Huế lần thứ 8 là chương trình tôn vinh nghệ thuật ca Huế - loại hình đặc sắc của vùng đất Cố đô chứa trong mình tiềm năng rất phong phú đa dạng về văn hóa, văn nghệ dân gian". 

Còn 4 tháng nữa mới khai mạc, nhưng hiện tại Ban tổ chức đã lên các phương án đảm bảo an ninh, an toàn, chỗ lưu trú cho du khách. Dự kiến trong 9 ngày đêm diễn ra Festival, Huế đón khoảng 200.000 lượt khách, trong đó gần 100.000 lượt khách quốc tế đến từ 101 quốc gia và vùng lãnh thổ. "Tại Huế có 526 cơ sở lưu trú, có thể đáp ứng được 18.000 lượt khách đến trong một thời điểm, chưa kể trong các nhà dân có khoảng 3.000 chỗ lưu trú. Cũng như những festival trước, được chuẩn bị chu đáo nên chúng tôi yên tâm không xảy ra "cháy phòng" hay những vấn đề liên quan đến lưu trú" - ông Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở VHTT&DL Thừa Thiên - Huế khẳng định. 

Tạo đà phát triển du lịch

Với chủ trương có cách thể hiện luôn mới, Festival Huế lần thứ 8 chú trọng tổ chức các hoạt động để người dân và du khách vừa là chủ thể sáng tạo vừa là người hưởng thụ. Thế nên không gian diễn xướng và không gian lễ hội được mở rộng để đưa festival về với cộng đồng. Các không gian truyền thống của các mùa lễ hội trước, các công trình văn hóa - thể thao, các trục đường phố chính, các huyện, thị xã và vùng ngoại thành đều mở ra các sân khấu cho nhiều hoạt động lễ hội âm nhạc "lên tiếng". Được quan tâm đặc biệt là các hoạt động văn hóa cộng đồng với sự tham gia của lực lượng nghệ sỹ, diễn viên, công chúng như triển lãm, trưng bày, thả diều Huế, thư pháp, đua thuyền, nghệ thuật sắp đặt, ẩm thực, tour tuyến du lịch…
Đám rước trên đường phố dịp Festival Huế 2012.     Ảnh: Hải Yến
Đám rước trên đường phố dịp Festival Huế 2012. Ảnh: Hải Yến
"Người dân trong vai trò của mình, sẽ là diễn viên không chuyên tham gia các lễ hội. Chúng tôi đã từng mời hàng ngàn người dân tham gia vào các lễ hội cộng đồng như đua thuyền, chơi cờ người, lễ hội thả diều, lễ hội đường phố... Không chỉ tham gia các lễ hội, qua đó chúng tôi còn mong muốn người dân có ý thức tự giác tham gia giữ gìn an ninh trật tự trong những ngày diễn ra festival" - ông Ngô Hòa bày tỏ. Và thông qua nhiều hoạt động phục vụ cho festival, người dân sẽ được hòa mình với du khách bằng việc cung cấp sản phẩm do mình làm ra, từ thực phẩm, hàng lưu niệm cho đến hàng thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, chương trình "Phố đêm" -  điểm nhấn của Festival 2014 - lần đầu tiên xuất hiện xung quanh Hoàng thành của Đại nội Huế sẽ có các hoạt động do người dân tổ chức. 

Theo ông Ngô Hòa, quan trọng nhất là người dân thấy rằng mình được hưởng lợi từ festival, được hưởng thụ sự đặc sắc đến từ các quốc gia, vùng miền của đất nước. Và ngoài mục tiêu quảng bá, giao lưu văn hóa, Festival Huế 2014 sẽ thúc đẩy phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Mong rằng, với những chương trình đặc sắc và hấp dẫn, Festival Huế 2014 thu hút du khách đến đông hơn, tinh thần "Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận" sẽ ngày càng phát triển.