Chúng tôi gặp ông Bùi Gia Tuệ khi ông vừa mới đi điều trị bệnh về. Cầm trên tay tấm hình đồng chí "Trung đội trưởng Bùi Gia Tuệ" năm xưa, ông không muốn kể nhiều về thành tích của mình trong quá khứ. Bởi còn nhiều lắm những chiến công vang dội của hàng trăm, hàng ngàn cựu chiến binh trong trận Điện Biên năm xưa… Năm 1993, sau nhiều năm cống hiến cho lực lượng vũ trang, khi về hưu ông tham gia Hội Luật gia và làm công tác trợ giúp pháp lý của quận Ba Đình (từ năm 1995 - 2000). Với những kinh nghiệm sống và vốn kiến thức pháp luật "khá chắc", ông được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ hòa giải.
Kể về những câu chuyện hòa giải thời hiện đại, người cựu chiến binh xúc động chia sẻ: “Tổ hòa giải có 5 người thì 4 người tuổi trên 80. Tôi cũng đã tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn phải cố gắng làm. Giờ chi bộ tìm người thay thế làm công tác hòa giải không dễ. Bởi công tác này, không những đòi hỏi kinh nghiệm, còn phải có sự tâm huyết, trình độ và quan trọng nhất phải có sự tín nhiệm của người dân”. Ở tuổi 88, với cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề một cách thấu tình đạt lý, ông luôn nghĩ rằng, sức có hạn, năng lực có được đến đâu thì cố gắng làm đến đấy. Ông là người được bà con khối phố tín nhiệm, nể trọng vì thế chính quyền phường Láng Thượng, quận Đống Đa luôn động viên ông hỗ trợ địa phương công tác hòa giải sau khi chuyển về đây sinh sống. Từ đó đến nay, ông đã có hơn 10 năm làm công tác hòa giải. Theo kinh nghiệm của ông Tuệ, làm công tác hòa giải phải hết sức tế nhị, hợp tình, hợp lý, mới thuyết phục được các bên, xoa dịu không khí căng thẳng.Chia sẻ những kỷ niệm trong quá trình làm công tác hòa giải, ông nhớ lại năm 2016, trên địa bàn xảy ra vụ việc mâu thuẫn phân chia tài sản thừa kế, kéo dài nhiều năm từ trước đó. Tiếp nhận vụ việc, trước khi hòa giải, ông đả thông tư tưởng cho các thành viên trong gia đình, sau tìm hiểu sự việc, thống nhất chia cho anh con trai 50%, bà mẹ 20% và 30% còn lại chia đều cho 3 cô con gái, tất cả đều nhất trí giơ tay. “Làm công tác hòa giải cần phải hiểu biết về luật và vận dụng luật làm sao đừng vi phạm. Đáng lẽ, bà mẹ được chia 50% nhưng lúc đó bà cũng già yếu rồi, nên tôi vận động bà cứ nhận cách phân chia như vậy để nhà cửa được yên ổn, gia đình không mất đoàn kết”- ông Tuệ phân tích. Với ông, trong nhiều vụ việc, công tác hòa giải sẽ bắt đầu từ người cao tuổi trong gia đình, từ đó, các cụ rỉ tai các con, cuối cùng tất cả đều yên ổn. Nhưng điều ông thấy phiền lòng nhất là khi chứng kiến tình trạng hôn nhân rạn nứt ngày càng nhiều, không những người trẻ, một số cặp vợ chồng dù đã ở tuổi xế chiều nhưng vẫn đưa nhau lên tòa để đòi ly hôn. “Chính vì vậy, việc bỏ công tác hòa giải ly hôn ở cơ sở, để lại nhiều hệ lụy, hậu quả khôn lường, con cái bơ vơ…”- ông Tuệ trăn trở. Trong cuộc sống hàng ngày, ông mong muốn và xây dựng tổ hòa giải cơ sở luôn là chiếc cầu nối hàn gắn hạnh phúc cho nhiều gia đình, kịp thời ngăn ngừa những hậu quả khôn lường về đạo đức, đem đến niềm vui cho bà con trong khu dân cư, góp phần giữ vững bình yên phố phường.