Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Người rừng” Hồ Văn Lang được làm căn cước công dân gắn chip

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/3, Công an huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, sáng sớm cùng ngày, "người rừng" Hồ Văn Lang (52 tuổi) đã đến điểm thu nhận hồ sơ tại xã Trà Phong để làm căn cước công dân.

 Hồ Văn Lang được làm căn cước công dân gắn chip. (ảnh Công an huyện Trà Bồng)
Theo cán bộ công an huyện Trà Bồng, "người rừng" rất vui vẻ khi được hỗ trợ chụp ảnh, lấy dấu vân tay… Khi hoàn tất hồ sơ, anh Hồ Văn Lang cười rất tươi để cảm ơn lực lượng công an.
Gần 50 năm trước, nghe tiếng bom giội ở phía làng mình, ông Hồ Văn Thanh, một du kích tham gia kháng chiến chống Mỹ, chạy về nhà thì thấy mẹ và 2 con trai lớn đã chết. Ông Thanh đưa vợ cùng 2 con Lang, Tri sang nơi khác sinh sống. Trong một lần động kinh, ông Thanh đã đánh vợ ngất xỉu rồi ôm Lang vào rừng.
Sau đó, ông có quay lại làng tìm vợ nhưng người làng sợ ông lên cơn đánh vợ nên nói dối "vợ mày chết rồi". Từ đó, ông Thanh cùng con trai sống biệt lập trong rừng ở xã Trà Xinh, huyện Trà Bồng. Ban đầu ở gần bìa rừng, nhưng dân phát rẫy trồng lúa nên ông Thanh đưa con vào sâu trong rừng.
Năm 12 tuổi, Tri cùng bác ruột mới vào rừng sâu tìm cha và anh trai nhưng ông Thanh không nhận ra con mình. Sau lần đó, mỗi năm Tri vào rừng 2 lần mang theo gạo, muối, dầu hỏa... tiếp tế cho cha và anh trai.
 Hồ Văn Lang thời điểm mới trở về từ rừng sâu.
Năm 2013, 2 cha con "người rừng" được phát hiện đưa về làng. Câu chuyện về cuộc giải cứu cha con "người rừng" tại Quảng Ngãi từng gây chấn động báo chí trong nước và quốc tế.
Cuối năm 2017, ông Hồ Văn Thanh qua đời, "người rừng" Hồ Văn Lang sống cùng em trai Hồ Văn Tri. Hàng ngày, anh Hồ Văn Lang vào rừng phát rẫy, trồng chuối bán kiếm tiền sinh sống.
Thời điểm mới rời đại ngàn, 'người rừng' Hồ Văn Lang từ người ngơ ngác như đứa trẻ, thấy gì cũng lạ cũng sợ thì bây giờ, ở tuổi 52, Lang đã có cuộc sống mới, biết nuôi trâu, trồng chuối bán và không muốn trở lại rừng già.
 Hồ Văn Lang đã có cuộc sống mới.
Hàng chục năm ở rừng, chẳng tiếp xúc với ai, từ chỗ chỉ bập bẹ được ít từ không tròn âm rõ nghĩa, giờ anh Lang đã làu làu chuyện trò tiếng đồng bào Cor của mình và nói được tiếng Kinh.