Nhiều mặt hàng “ăn theo” điện
Bộ Công Thương đã tuyên bố: "Mức tăng giá điện năm 2011 nhằm bù lỗ một phần cho ngành điện và từng bước đưa giá điện theo giá thị trường nhưng không làm ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế". Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội nhiều tiểu thương đã "té nước theo mưa" đẩy giá cả hàng hóa lên cao.
Tại một số chợ đầu mối như Long Biên, Bưởi, Phùng Khoang… giá cả một số thực phẩm đã tăng từ 1.000 - 2.000 đồng so với thời điểm chưa tăng giá điện. Cụ thể: cải ngọt 13.000 - 14.000 đồng/kg tăng 1.000 đồng/kg; rau cần 5.000 - 6.000 đồng/mớ tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/mớ; Su su 14.000 - 15.000 đồng/kg tăng 2.000 đồng/kg… Giá thịt lợn, thịt bò, cá tăng lên khá mạnh từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Trong đó, thịt gà tăng mạnh nhất trung bình 4.000 đồng/kg.
Điện tăng giá không chỉ khiến giá thực phẩm có "lý do" tăng giá mà còn là điều kiện để chủ nhà trọ tăng giá điện. Tại khu vực tập trung nhiều nhà trọ sinh viên như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Cổ Nhuế, KCN Bắc Thăng Long… các chủ nhà trọ đã bắt đầu công tác "vận động" để tăng giá điện trong tháng tới. Mặc dù giá điện chỉ tăng 62 đồng/kWh, nhưng một số chủ nhà trọ đã tăng giá bán điện cho người thuê nhà từ 500 - 1.000 đồng/kWh.
Nguyễn Hùng, sinh viên Học viện Ngân hàng thuê nhà trọ ở Trung Tự (quận Đống Đa) cho biết: "Giá phòng em ở chủ nhà vừa tăng lên chưa được 2 tháng, giờ lấy cớ giá điện tăng, chủ nhà lại quyết định tăng giá phòng thêm 200.000 đồng nữa lên 1,8 triệu đồng, chưa kể tiền nước cũng tăng". Còn Trần Thị Luyên, sinh viên trường ĐH Mỏ - Địa chất cho biết: "Giá điện bây giờ đã là 4.000 đồng/kWh, hàng tháng dùng tiết kiệm cũng mất gần 300.000 đồng. Vậy mà điện mới chỉ tăng lên 62 đồng/kWh mà chủ nhà đã thông báo chuẩn bị tăng giá điện lên 4.500 đồng/kWh".
Than tổ ong cũng là lựa chọn của nhiều người thuê trọ trong thời giá điện tăng. Khoảng 10.000 đồng tiền than/ngày, rẻ hơn rất nhiều so với việc dùng điện. "Những lúc quạt bếp, khói mù mịt không thoát được khó chịu lắm, nhưng nếu dùng điện, mỗi tháng vài trăm ngàn không kham nổi" - Minh Hòa, SV ĐH XH&NV tâm sự.
Khó khăn lại thêm khó khăn
Bùi Thị Xuân (Sơn Dương, Tuyên Quang) 28 tuổi, làm công nhân tại Công ty Suncall, KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) tâm sự: "Trước khi Nhà nước tăng giá điện, tiền phòng trọ mới chỉ là 500.000 đồng, tháng này lên 600.000 đồng. Tiền điện tháng trước 2.500 đồng/kwh, tháng này lên 3.000 đồng/kwh. Tiền nước tháng trước 35.000 đồng/người, tháng này lên 40.000 đồng/người. Đun nấu bằng bếp ga du lịch, tiền mỗi bình ga trước đây là 5.000 đồng/bình, nay đã 6.000 đồng/bình, cộng với 25.000 tiền ăn mỗi ngày. Tính trung bình mỗi tháng cũng mất 1,6 - 1,7 triệu. Đấy là còn chưa nói đến ốm đau, đám cưới, đám ma, thăm hỏi…". Với đồng lương 2,5 triệu đồng/tháng, cuộc sống của những công nhân nơi đây vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.
Thanh niên độc thân sống đã chật vật, những cặp gia đình trẻ mà cả vợ lẫn chồng đều là công nhân, có thêm con nhỏ càng vất vả hơn. Vợ chồng Lê Thị Cảnh và Trịnh Thanh Thịnh (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) CN Công ty TOTO cũng tại KCN Bắc Thăng Long là một ví dụ. Hai vợ chồng với 2 đứa con nhưng đồng lương nhỏ bé của anh chị cứ bị cắt xén để lo đủ các khoản. "Cứ đầu năm và cuối năm chủ nhà trọ lại tìm đủ mọi lý do để tăng giá. Từ giá phòng, giá điện đến giá nước mọi thứ đều tăng đồng loạt, và sau mỗi lần như thế chênh lệch giữa tháng đó với tháng trước bao giờ cũng khoảng gần 200.000 đồng. Nay, Nhà nước cho phép tăng giá điện vào đúng thời điểm giáp Tết là tạo điều kiện cho các chủ nhà trọ có cớ đẩy giá điện lên cao thu lợi từ người thuê nhà" - anh Thịnh tâm sự.
Nhằm giảm bớt khó khăn, gánh nặng cho những người ở trọ, ngày 25/2/2011, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 05/2011/TT-BCT, quy định về giá bán điện năm 2011. Để được hưởng chính sách này, người lao động hoặc sinh viên thuê nhà trọ từ 12 tháng trở lên thì chủ nhà trọ trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) hoặc người lao động, sinh viên thuê nhà ký kết HĐMBĐ với bên bán điện… nhưng phải có bảo lãnh thanh toán tiền điện của chủ nhà. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này khó đi vào cuộc sống, bởi các chủ nhà trọ sẽ không hợp tác để từ bỏ món lợi nhuận kếch sù từ việc bán lại điện cho người thuê trọ.
Thực tế qua kiểm tra công tác sử dụng, kinh doanh điện tại các nhà cho thuê trọ trên địa bàn thời gian qua cho thấy, Đoàn kiểm tra chuyên ngành gặp rất nhiều trở ngại do chủ cho thuê nhà thường né tránh việc đăng ký tạm trú cho người thuê nhà với UBND phường, xã, công an, đơn vị bán điện… Hầu hết, việc thanh toán tiền điện giữa người đi thuê và chủ nhà là thỏa thuận bằng miệng, không có hợp đồng cụ thể. Do tất cả chỉ là thỏa thuận miệng nên trong quá trình xử lý vi phạm, công tác kiểm tra, xử lý cũng chỉ dừng ở việc lập biên bản ghi nhận việc thu tiền điện không đúng theo quy định. Trong khi hầu hết những người thuê nhà thời gian thuê thường không ổn định (thường dưới 12 tháng), khi đến thuê cũng đã thỏa thuận với chủ nhà về giá điện nên không thắc mắc, cung cấp, phản ánh với cơ quan chức năng… Ông Nguyễn Đình Thắng Phó Trưởng phòng Quản lý điện năng, Sở Công Thương Hà Nội |