Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người tiêu dùng còn “dễ dãi” trong lựa chọn thực phẩm an toàn

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 19/9, Hội LHPN TP Hà Nội phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội thảo “Phát huy vai trò của Hội phụ nữ trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và kết nối tiêu thụ chuỗi nông sản thực phẩm”.

Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo.

Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Nguyễn Thị Tuyết cho biết, trong những năm qua, Hội LHPN Hà Nội luôn chú trọng phối hợp và hỗ trợ triển khai chuỗi cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn tới người tiêu dùng Thủ đô; xây dựng các mô hình thực hiện ATTP: “Quầy bán thức ăn chín đảm bảo ATVSTP”; “Tổ phụ nữ chế biến món ăn phục vụ các sự kiện”; mô hình “Trồng rau an toàn”, “Sản xuất lúa chất lượng cao”, “Nuôi gà an toàn”, “Sản xuất chè sạch”...
Mô hình “Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm” được các cấp Hội phụ nữ Hà Nội triển khai thực hiện từ năm 2017. Đến nay, đã có 367 chi hội phụ nữ đăng ký thực hiện và hoạt động hiệu quả, góp phần giúp chị em phụ nữ và người dân nâng cao nhận thức về ATTP tiến đến thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm đảm bảo an toàn, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, trong công tác phối hợp đảm bảo ATVSTP của các cấp Hội phụ nữ Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì lợi nhuận cố tình sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn. Ý thức của một số người tiêu dùng vẫn còn “dễ dãi”, chưa thực sự quan tâm đến việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn để bảo đảm sức khỏe của chính mình. Công tác kiểm tra, giám sát ATTP hiệu quả chưa cao; việc xử lý vi phạm sau kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức, các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên việc vi phạm và tái vi phạm vẫn diễn ra.
Chị em phụ nữ tham quan, mua sắm tại gian hàng chuỗi thực phẩm an toàn.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước cùng các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những kinh nghiệm, cách làm, những mô hình hoạt động cũng như các vấn đề còn khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong việc tham gia công tác đảm bảo ATVSTP của các cấp hội phụ nữ. Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hiện ATTP của các cấp hội phụ nữ Hà Nội trong thời gian tới, nhiều đại biểu cho rằng, cần phát huy, tăng cường  sự phối hợp giữa công tác quản lý giám sát ATTP và xây dựng chuỗi kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.
* Chiều cùng ngày, Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)”, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của lao động nữ.