Người tiêu dùng tiếp cận chuỗi thực phẩm sạch: Yên tâm khi mắt thấy, tai nghe

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đưa người tiêu dùng (NTD) trực tiếp tham quan, tìm hiểu chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn không chỉ giúp củng cố niềm tin mà còn tạo điều kiện để phát triển các hệ thống cửa hàng tiện ích trên địa bàn TP.

Nhận diện sản phẩm an toàn
Mới đây, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP đã tổ chức chương trình cho một số cán bộ, hội viên tham quan chuỗi sản xuất, cung cấp sản phẩm chăn nuôi ATTP tại huyện Sóc Sơn. Đoàn đã tìm hiểu thực tế mô hình chuỗi sản xuất, chế biến thịt lợn hữu cơ Bảo Châu (xã Minh Phú), chuỗi sản xuất và cung cấp gà đồi Sóc Sơn (xã Nam Sơn). Trực tiếp được vào trang trại chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ không khỏi bất ngờ khi chuồng nuôi không hề có mùi hôi thối do được xử lý bằng đệm lót sinh học.
Trang trại Bảo Châu là một trong những trang trại chăn nuôi không chất thải đầu tiên của Việt Nam với ứng dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu của Nhật Bản (EM). Ông Nguyễn Đại Thắng – Giám đốc Công ty CP Trang trại Bảo Châu cho biết, lớp đệm lót này xử lý toàn bộ lượng phân thải ra của đàn lợn, sau đó được tận dụng để trồng rau hữu cơ. Hiện, Công ty CP Trang trại Bảo Châu có 3 trang trại với quy mô nuôi 1.000 con/trang trại. Điều đáng nói là công ty đã đầu tư hệ thống giết mổ, kho làm mát, cấp đông sản phẩm thịt nên đảm bảo ATTP. “Lợn sau giết mổ được đưa vào làm mát ở nhiệt độ 0 – 5 độ C giúp giảm độ PH nâng cao chất lượng thịt, sau đó được pha lóc rồi cấp đông” – ông Thắng cho biết.

Mua hàng thực phẩm tại siêu thị Fivimart. Ảnh: Công Hùng

Hiện tại, mỗi ngày trang trại Bảo Châu cung ứng ra thị trường khoảng 1,5 tấn thịt mát, thịt cấp đông. Trực tiếp đi thăm quan chuỗi sản xuất, chế biến này, bà Lê Thị Thiên Hương – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội khá hào hứng. Bà cho biết, lâu nay NTD vẫn có thói quen tiêu dùng thịt tươi bán tại các chợ. Tuy nhiên, qua thực tế tìm hiểu mô hình sản xuất thịt mát, thịt cấp đông, chắc chắn nhiều người sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng. Hơn nữa, thông qua chương trình, nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ nhận diện được các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Mở rộng cửa hàng tiện ích
Thời gian qua, vấn đề vệ sinh ATTP được NTD quan tâm sau nhiều sự cố về thực phẩm bẩn được cơ quan chức năng phát hiện. Đây cũng là một trong những trọng tâm công tác được TP cũng như ngành nông nghiệp ưu tiên chỉ đạo thực hiện. Với sự tích cực vào cuộc của Sở NN&PTNT cũng như các địa phương, đến nay trên địa bàn TP đã hình thành nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn. Trong đó, riêng mô hình cung cấp thịt mát, thịt cấp đông bước đầu đã có 8 chuỗi liên kết với sản lượng đưa ra thị trường đạt gần 10 tấn/ngày. Tuy nhiên, việc NTD tiếp cận với những chuỗi liên kết này và nhận diện được sản phẩm an toàn vẫn còn hạn chế nhất định.
Ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, mục đích của các chương trình tham quan thực tế nhằm kết nối NTD, nhất là cán bộ, hội viên phụ nữ với các chuỗi sản xuất, cung cấp thực phẩm sạch, có nhãn hiệu trên địa bàn TP. Đồng thời tuyên truyền cho các bà nội trợ hiểu rõ lợi ích của thịt mát, thịt cấp đông để thay đổi thói quen tiêu dùng. Ông Tạ Văn Tường kỳ vọng, sau chuỗi chương trình tham quan thực tế này, thị hiếu tiêu dùng của các bà nội trợ thay đổi sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cửa hàng tiện ích ở cả nội thành và ngoại thành. Khi đó, NTD không còn lo vấn đề thịt ôi, mất ATTP hay bị tư thương ép giá như hiện nay.
Cách làm của Hà Nội đưa NTD, nhất là hội viên phụ nữ - các bà nội trợ thường xuyên mua thực phẩm cho gia đình xuống thực tế tận trang trại, mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn là hết sức hiệu quả. Thông qua đó, NTD có sự tin tưởng, yên tâm khi sử dụng sản phẩm, đồng thời thay đổi nhận thức về tiêu dùng thịt mát, thịt cấp đông. Tới đây, tỉnh Tây Ninh cũng sẽ học tập Hà Nội triển khai mô hình này.
Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh  Võ Đức Trong