Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người trồng thanh long rời bỏ VietGAP vì thấy lợi trước mắt

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình sản xuất thanh long theo hướng an toàn VietGAP được tỉnh Bình Thuận triển khai từ năm 2009 nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, khẳng định thương hiệu thanh long Bình Thuận trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, sau hơn 7 năm triển khai, nông dân địa phương đang có xu hướng rời bỏ chương trình này chỉ vì lợi ích trước mắt.
Chi phí đầu tư, công sức bỏ ra rất lớn nhưng gần như thanh long VietGAP chưa có thị trường.
Chi phí đầu tư, công sức bỏ ra rất lớn nhưng gần như thanh long VietGAP chưa có thị trường
Gia đình bà Lê Xuân Linh ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc trồng 1,5ha thanh long. Sau nhiều năm tham gia chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nay gia đình bà quyết định rời bỏ với lý do thanh long VietGAP làm ra có giá bán cũng chỉ bằng, có khi lại thấp hơn thanh long canh tác theo lối tự do.

“Thanh long VietGap mà giá bán thấp hơn thanh long thường khiến người trồng thấy bất mãn, không muốn theo mô hình VietGap nữa”, bà Linh nói.

Cho đến nay, sản phẩm thanh long Bình Thuận chủ yếu được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường dễ dãi, không cần kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không đòi hỏi các tiêu chuẩn về an toàn nông sản; miễn là quả thanh long có mẫu mã to đẹp, bóng bẩy là được.

Anh Lê Thanh Trâm, một thương lái mua thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc lại cho biết, thanh long chính vụ chủ vườn gọi thương lái tới xem được giá sẽ mua. VietGap hay không VietGap cũng sẽ được mua theo một giá nhất định và không hề phân loại. Sở dĩ vậy là vì thị trường Trung Quốc không hề đòi hỏi thanh long Việt Nam phải có tiêu chuẩn VietGAP.

Sản xuất thanh long theo chuẩn VietGAP rất tốn nhiều công sức. Nông dân phải trải qua các  đợt tập huấn do cơ quan nhà nước tổ chức. Vườn canh tác phải phân lô, đánh số để quản lý chặt chẽ, sắp xếp vườn trồng khoa học, ngăn nắp. Trong quá trình sản xuất, nông dân phải ghi chép nhật ký cẩn thận từng công đoạn, thường xuyên làm vệ sinh vườn, bón phân, phun thuốc đúng liều lượng, đúng quy trình...

Thực tế cho thấy, chi phí đầu tư, công sức bỏ ra rất lớn nhưng gần như thanh long VietGAP chưa có thị trường. Sau khi thu hoạch, sản phẩm sạch bán ra cũng như thanh long bình thường. Chính điều này đã làm cho nông dân bất mãn.

Anh Huỳnh Công Truyền, một trong số 31 thành viên còn duy trì sản xuất thanh long VietGAP ở HTX Thanh long Hữu cơ Phú Hội cho biết, thanh long VietGAP không mang lại lợi ích cho nông dân, ngay giá việc tiêu thụ và giá bán thanh long đã thấy rõ điều này.

HTX Thanh long Hữu cơ Phú Hội là một trong số các nhóm tổ hợp tác tiên phong thực hiện chương trình VietGAP ở Bình Thuận. Lúc mới triển khai, các xã viên rất hăng hái. Vào năm 2009, hợp tác xã này có 100 hộ tham gia trên diện tích khoảng 110ha. Nhưng đến nay, chỉ còn lại 31 hộ với 49ha còn duy trì, 69% xã viên đã rời bỏ chương trình thanh long sạch.

Ông Ngô Xuân Hiền, Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Hữu cơ Phú Hội, huyện Hàm Thuận Bắc cho rằng, đến giờ này bà con hết còn có lý do để duy trì thanh long VietGAP. Thanh long VietGAP có sản lượng, mẫu mã xấu hơn thanh long không làm VietGAP. Hiện còn một số hộ còn theo đuổi chỉ vì nghĩ làm thanh long sạch, sau này gặp thị trường khó tính sẽ có sẵn thanh long sạch để bán.

Tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 8.000ha thanh long được công nhận đạt chuẩn VietGap, chiếm gần 30% diện tích thanh long toàn tỉnh. Từ năm 2014 đến nay, tại các vùng trồng thanh long trọng điểm của tỉnh như Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình, hầu như rất nhiều nông dân đang rời bỏ chương trình VietGAP. Diện tích bị hủy bỏ vào năm 2014 là 650ha, năm 2015 là 485ha; 6 tháng đầu năm 2016 diện tích hủy bỏ tăng lên đến hơn 1.150ha.

Theo cơ quan cấp chứng nhận (Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thanh long Bình Thuận), đa số các hộ bỏ trồng VietGAP vì chỉ thấy lợi trước mắt. Các hộ rời bỏ VietGap chưa nhận thức đúng đắn về tương lai của quả thanh long sạch, nên không thiết tha với công việc đang làm. Đơn vị này hiện đang phối hợp với các địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất thanh long sạch.

Bà Đào Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thanh long Bình Thuận cho biết, trung tâm đang hạ quyết tâm cùng các địa phương, tăng cường hơn nữa công tác vận động để cho số hộ nông dân nhận thức vấn đề tương lai, về tầm quan trọng phải làm theo VietGAP ngày càng nhiều hơn. Mong rằng trong thời gian sắp tới, nhận thức của người dân về vấn đề này sẽ nâng lên.

Chương trình sản xuất thanh long VietGAP được tỉnh Bình Thuận đầu tư nhiều kinh phí, thực hiện từ hơn 7 năm qua. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế hội nhập, nhằm nâng cao uy tín cho thương hiệu thanh long Bình Thuận, thể hiện trách nhiệm của nông dân địa phương đối với sức khỏe của người tiêu dùng.

Một khi sản xuất an toàn sản phẩm thanh long mới mong được chấp nhận tại nhiều nước trên thế giới. Trong khi thanh long Bình Thuận đang loay hoay tìm cách giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, việc bỏ chuẩn VietGAP của người trồng thanh long như hiện nay sẽ làm cho giá trị của quả thanh long Bình Thuận giảm sút và khó tiêu thụ, nhất là khi có thị trường mới.