Thầy giáo Nguyễn Đức Trường trao phần thưởng cho học sinh tại Lễ sơ kết học kỳ I, năm học 2019 - 2020. |
Trí tuệ không phụ thuộc vào đôi chân
Trò chuyện với chúng tôi, anh Trường cho biết, bố anh trước đây là giáo viên, nhưng do có thời gian đi bộ đội nên sau khi lập gia đình, các con được sinh ra đều bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam từ bố. Bản thân anh là người bị ảnh hưởng nhẹ nhất nên chỉ bị teo phần cơ, những người anh em khác của anh có người không sống nổi, có người bị ảnh hưởng trí tuệ.
Ngày còn nhỏ, việc đi học của anh vô cùng vất vả. Vừa đi học, anh còn phải sang tận nội thành Hà Nội để châm cứu, bấm huyệt. Lúc đầu thì bố đưa đi, sau thấy bố vất vả, anh tự mình đi xe bus sang bấm huyệt. Ròng rã 6 năm trời, từ chỗ phải chống 2 gậy mới có thể đi được, anh đã bỏ bớt được 1 gậy. Sau đó, nhờ quyết tâm, kiên trì tập luyện, anh đã bỏ nốt được chiếc gậy thứ 2. Nhớ về những ngày tập luyện khổ cực đó, anh không khỏi bùi ngùi: “Hồi đó mình đi học, quần áo thường rách hết vì ngã”.
Song, ngoài việc đôi chân bị ảnh hưởng thì trí tuệ của anh lại rất thông minh. Môn toán đối với nhiều người là khó thì ngược lại, anh học rất tốt. Tốt nghiệp THPT, gia đình khuyên anh thi vào ngành sư phạm nhưng anh từ chối. Năm 1990, anh đỗ vào Đại học Nông nghiệp ở gần nhà.
Học Đại học Nông nghiệp được một thời gian, bố anh tiếp tục khuyên anh chọn ngành sư phạm. Cuối cùng, anh nghe theo bố thi vào ngành sư phạm. Quá trình học tập vô cùng vất vả nhưng anh tự động viên phải tu dưỡng, rèn luyện, không phụ lòng người thân. Năm 1994, anh tốt nghiệp ngành sư phạm, trở về dạy học ở trường THCS Đa Tốn quê hương, với môn sở trường của mình là môn Toán.
Hơn cả một người thầy
Làm thầy được một thời gian, anh nhận thấy học sinh ở vùng quê của mình không chăm học, không ham học, do đó hầu hết không học lên cao. Những gia đình có điều kiện, con cái có khả năng học tập thì họ dần chuyển đi nơi khác hết. Anh liền nuôi ý chí quyết tâm vực dậy khả năng và đam mê học tập của học sinh. Trong các bài giảng, anh thường chú ý khơi gợi và khuyến khích tính chủ động, khả năng tự học ở học sinh. Bên cạnh đó, các bài giảng được anh sắp xếp dạy theo chuyên đề, biến học sinh thành “chuyên gia” nghiên cứu, sưu tầm, phân dạng bài tập... Ngoài kỹ năng giảng dạy, truyền đạt nội dung học tập cho học sinh, anh còn lồng ghép những câu chuyện về gương vượt khó vươn lên để bồi dưỡng tâm hồn cho các em.
Miệt mài cống hiến, kết quả đã không phụ lòng một người thầy như anh. Từ một ngôi trường nông thôn với chất lượng giáo dục không cao, trường THCS Đa Tốn đã bắt đầu có những thành tích mới với sự xuất hiện của các học sinh được chọn đi thi học sinh giỏi. Khả năng làm việc và tâm huyết của anh đã lay động, lan tỏa đến nhiều người. Năm học 2001 – 2002, anh được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Gia Lâm phân công phụ trách đội tuyển đi thi học sinh giỏi của huyện. Từ đó tới nay, anh đảm nhận rất nhiều trọng trách như: Dạy ở trường, dạy đại trà; phụ trách đội tuyển đi thi học sinh giỏi của trường, của huyện...
Đặc biệt, sau mỗi giờ lên lớp, anh lại cần mẫn làm việc, nghiên cứu để tiếp tục lan tỏa tình yêu Toán học đến học sinh và đồng nghiệp trên khắp mọi miền đất nước. Trong đó, anh viết bài cho các tạp chí chuyên ngành Toán học và Tuổi trẻ, Toán tuổi thơ; viết sáng kiến kinh nghiệm, viết sách tham khảo... Cùng với đồng nghiệp tham gia biên soạn sách tham khảo môn Toán, THCS cho NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia TP Hà Nội, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh với tổng cộng 31 đầu sách.
Ngoài ra, anh còn giúp đỡ 6 giáo viên toán trong huyện thi đạt giải Giáo viên giỏi cấp TP; trực tiếp hướng dẫn cho nhiều học sinh đạt giải như: Cấp Quốc gia có 2 học sinh đạt giải; cấp TP có 130 em đạt giải. Tại cuộc thi Toán học Hà Nội mở rộng, học sinh của anh có 17 em đạt giải. Đến nay, anh đã được công nhận 24 sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) cấp trường, 24 SKKN cấp huyện, 13 SKKN cấp TP được xếp loại.
Nói về thầy giáo Nguyễn Đức Trường, Hiệu trưởng trường THCS Đa Tốn Nguyễn Đức Tuấn cho biết, thầy Trường là giáo viên Toán từ lớp 6 đến lớp 9, Tổ trưởng Tổ KHTN. Tuy sức khỏe có thiệt thòi nhưng thầy là một giáo viên, tổ trưởng tâm huyết, trách nhiệm, một nhà giáo mẫu mẫu mực, được học sinh quý trọng, Nhân dân tin yêu. Thầy đã khắc phục được khó khăn để vươn lên và có nhiều thành tích xuất sắc, liên tục có học sinh đạt giải cấp TP và Quốc gia, thậm chí có cả học sinh đạt giải trong khu vực (14 nước). Đây là một tấm gương sáng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, nhân lên những điều tốt đẹp cho cuộc sống.
Với những đóng góp trên, thầy giáo Nguyễn Đức Trường đã được các cấp ghi nhận, khen thưởng: Từ năm 2009 đến 2017, liên tục đạt CSTĐ cấp cơ sở; năm 2012 đạt danh hiệu Người tốt Việc tốt cấp TP, Bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Năm 2013, Bằng khen của Chủ tịch UBND TP, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục. Năm 2016, Bằng khen của Bộ GD&ĐT. Năm 2017, được Sở GD&ĐT Hà Nội tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Năm 2018, Bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Năm 2019, được Sở GD&ĐT tặng giải thưởng “Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo”. Nhiều năm liên tục được UBND huyện, Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm, UBND xã Đa Tốn tặng Giấy khen. |