Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Việt Nam ở nước ngoài: Tết là gia đình, Tết là quê hương

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị Hương Dương Nguyễn, người Việt sống tại CH Czech chia sẻ, không được ở bên người thân, có ăn Tết thì cũng vẫn canh cánh nỗi niềm khó diễn tả thành lời.

“Xuân này con không về”
Với những du học sinh Việt Nam đang học tập tại nước ngoài, năm đầu tiên không được ăn Tết ở nhà bao giờ cũng là cái Tết nhiều cảm xúc nhất. Minh Anh, đang học tập tại Australia chia sẻ, năm đầu tiên sang học ở Australia là thời điểm vừa bỡ ngỡ vì mới sang nước ngoài được 4 tháng, làm quen với trường và bạn mới, vừa ý thức được sự khác biệt về văn hóa và không khí Tết.
Minh Anh (ngoài cùng, bên phải) cùng gia đình ở Australia. Ảnh: NVCC.
Minh Anh cho biết, kỷ niệm khiến em nhớ mãi là một buổi chiều, khi trên đường đi làm thêm về nhà qua khu Marrickville - một trong những khu vực có nhiều người Việt Nam đang làm việc và sinh sống. Hôm đó đúng vào ngày mùng Một Tết, đường phố vắng vẻ hơn bình thường, một vài cửa hàng đóng cửa, thắp hương, nhưng không khí không sao bằng được Tết ở nhà; thiếu hẳn cái không khí rộn ràng và háo hức như ở Hà Nội.
“Lúc đó, em chợt nhận ra là mình đang ở nước ngoài, rồi bâng khuâng không biết giờ này bố mẹ ở nhà đang làm gì, mọi năm bằng giờ này có khi mình đang đi chúc Tết họ hàng cùng bố mẹ...”, Minh Anh kể lại.
Cũng trong ngày mùng Một Tết đầu tiên xa nhà đó, Minh Anh đã lần đầu gọi điện về nhà cho bố mẹ và có một chút “sụt sịt” vì nhớ nhà.
Sau Tết đầu tiên xa nhà, dần dần các bạn du học sinh cũng quen với cảnh “Xuân này con không về”. Minh Anh cho biết, bản thân em vẫn cố gắng mỗi năm về một lần, nhất là vào dịp Tết nhưng cũng có những năm bận học hoặc đi làm không thể sắp xếp về được.
“Năm đầu thì bùi ngùi lắm nhưng đến cái Tết thứ hai xa nhà thì quen dần, du học sinh ai cũng vậy, đều phải vài lần hát bài “Xuân này con không về”, Minh Anh đùa vui.
Năm 2018 cũng là năm đầu tiên ăn Tết xa nhà của Vũ Hồng Nhung, du học sinh tại Nagoya, Nhật Bản. Nhung chia sẻ, thời điểm này ở Việt Nam không khí Tết đã rất nhộn nhịp, cũng là lúc Nhung nhớ nhà nhất, nhớ về chiếc bánh chưng đầu tiên tự tay gói, nhớ về chợ hoa tấp nập người, ì èo mặc cả giá đào, quất...
“Tết năm nay là lần đầu sẽ đón tết ở một nơi không có tiếng ì èo mặc cả giá đào, giá quất hay cảnh người chen chúc giữa chợ hoa. Tâm trạng của mình cũng có phần hơi hụt hẫng”, Nhung nói.
Tết không là Tết khi xa nhà
May mắn có chị gái và cô ruột bên Australia nên cái Tết xa nhà của Minh Anh cũng đỡ buồn hơn.
Mâm cơm ngày 23 tháng Chạp của người Việt ở nước ngoài giờ rất đầy đủ. Ảnh: Facebook Huongduong Nguyen.
“Năm nào cô ruột của em cũng tổ chức một bữa cơm gọi là đón Tết, mua bánh chưng và nấu các món ăn Tết rồi gọi bọn em về chung vui. Khi mọi người ngồi vào mâm cơm sum vầy, em sẽ gọi điện về Việt Nam, chúc Tết gia đình”, Minh Anh nói. Hàng xóm Việt Nam ở Australia cũng vẫn duy trì phong tục chúc Tết nhau, dù ở xa mọi người cũng cố gắng lái xe qua nhà người quen chúc Tết và lì xì trẻ em cho may mắn. Ở một số khu có đông người Việt sinh sống như Cabramatta, Bankstown... cũng có một số hội chợ Tết được tổ chức
Ở Sydney, nơi Minh Anh đang theo học, cộng đồng người Việt khá lớn nên món ăn Việt không khó tìm, từ bánh chưng, mứt Tết, hành muối... đều được bán trong các quầy tạp hóa với giá cả cũng phải chăng. Có thể nói, không thiếu thứ gì nhưng vẫn không thể nào vui bằng Tết ở nhà, Minh Anh chia sẻ.
“Có lẽ là các món Việt ở đây không ngon bằng ở nhà và cũng vì không khí không vui bằng ở nhà nữa. Tết ở Australia là vào giữa hè, hoàn toàn khác cái không khí se se lạnh của Tết Hà Nội”, cô bé du học sinh tại Australia chia sẻ. Bên cạnh đó, Tết Nguyên đán ở nước ngoài cũng chỉ giống một ngày bình thường vì ngày hôm sau mọi người vẫn phải đi làm.
"Em nhớ nhất không khí đêm Giao Thừa, khi cả nhà ăn cơm tất niên và xem Gặp nhau Cuối Năm, rồi mọi người sẽ đi chùa, đi xem pháo hoa đón năm mới. Đường phố đông đúc, ai cũng tươi cười, hy vọng một năm mới tốt đẹp khiến mình cũng thấy vui lây. Còn ở bên này, không thể có được không khí như ở Việt Nam", Minh Anh nói.
Không chỉ với những người xa quê lần đầu mới thấy quý Tết Việt và trân trọng giá trị gia đình. Chị Hương Dương Nguyễn, hiện sinh sống ở CH Czech, đã trải qua 10 cái Tết ta ở Tây chia sẻ, Giao thừa năm nào gia đình cũng gọi điện chúc Tết đầy đủ ông bà, cô dì chú bác 2 bên nội ngoại. "Mỗi một năm qua đi, cái cảm giác nao nao muốn trở về quê hương khi Tết cận kề không thay đổi. Mặc dù thời gian trôi qua, cũng dần quen hơn, đỡ buồn hơn nhưng lần nào gọi điện về nhà cũng khóc", chị Hương chia sẻ.
Chị cũng không quên được cái Tết đầu tiên ở nước ngoài, cảm xúc không có gì ngoài nỗi nhớ nhà da diết. “Lúc đó mình mới sang với chồng được 3 tháng, mọi thứ còn thật ngỡ ngàng. Cảm giác là rất nhớ cái Tết ở quê nhà”, chị Hương nói. Xa quê, không được sum vầy đầy đủ ở bên những người thân, có ăn Tết thì cũng vẫn canh cánh một nỗi niềm thương nhớ gia đình, người thân, rất khó diễn tả được thành lời, chị tâm sự.
Vũ Bích Ngọc cùng gia đình tại Đức. Ảnh: NVCC.
May mắn có ông bà nội và cả gia đình cùng ở Đức 5 năm nay nên Tết xa quê của Vũ Bích Ngọc ấm cúng hơn rất nhiều. Ở Đức, thì ngoài đường thì hầu như ngày nào cũng vắng như Tết, nên kèm thêm ít mưa phùn là thấy man mác hương vị Tết ở nhà. Có điều 30 ăn Tết xong mùng Một vẫn theo lịch đi làm bình thường nên không cảm nhận được đúng "chất" Tết.
Qua 3 cái Tết ở nước ngoài, Ngọc cũng vẫn không thể nào quên được không khí sửa soạn cắm hoa, làm cỗ thắp hương cúng ông Công ông Táo vào bữa cơm tất niên, nhớ không khí đi lễ ngày đầu năm hương khói tất bật, váy áo xúng xính. “Có đi xa bao lâu đi nữa thì mình lại càng cảm thấy Tết ở nhà rất đẹp”, Ngọc nói.