Giá dầu vẫn áp sát mức đỉnh kể từ tháng 11/2018
Thị trường năng lượng duy trì đà leo dốc trong phiên này nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng theo cam kết của các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Venezuela và Iran.
Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 23 xu Mỹ, tương đương 0,4% lên mức 57,39 USD/thùng và gần mức cao nhất trong năm nay đạt tới 57,55 USD/thùng thiết lập trong phiên 20/2.
Trong khi đó, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 67,20 USD/thùng, cộng thêm 12 xu Mỹ, ttương đương 0,2% so với mức đóng cửa của phiên trước đó và không xa mức đỉnh của năm 2019 lên tới 67,38 USD/thùng.
Người phát ngôn của Nigeria, một thành viên của OPEC, cho biết nước này sẵn sàng giới hạn sản lượng để thúc đẩy giá "vàng đen".
Bên cạnh đó, các biện pháp Mỹ áp đặt đối với các nước xuất khẩu dầu lớn là Iran và Venezuela cũng là yếu tố hỗ trợ giá dầu trong phiên ngày 21/2.
Ngoài ra, tín hiệu khả quan từ đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng đưa thị trường chứng khoán toàn cầu và giá dầu đi lên. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19/2 nói rằng đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra tốt đẹp và để ngỏ khả năng gia hạn đàm phán qua hạn chót “đình chiến” thương mại ngày 1/3.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu vẫn đang bị cản trở bởi xu hướng tăng lượng dầu tồn kho và sản lượng dầu đá phiến liên tục lập kỷ lục mới của Mỹ. Báo cáo tuần của Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố ngày 20/2 cho thấy, dự trữ dầu của Mỹ đã tăng 1,3 triệu thùng lên 448,5 triệu thùng dầu trong tuần kết thúc vào ngày 15/2.
Giới phân tích cho rằng đà tăng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu đang cản trở giá dầu tăng vượt các mức cao trong tuần này.
Nhà phân tích Benjamin Lu, thuộc hãng môi giới Phillip Futures tại Singapore, nhận định: “Tăng trưởng kinh tế chậm lại chắc chắn sẽ khiến tiêu thụ nhiên liệu yếu đi, theo đó làm giảm đà tăng của giá dầu.
Thị trường “vàng đen” sẽ cân bằng vào tháng 4 tới
Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi, ông Khalid al-Falih, hôm 20/2 bày tỏ hy vọng thị trường dầu sẽ đạt tới trạng thái cân bằng cung -cầu vào tháng 4 tới. Theo Bộ trưởng Khalid, đến thời điểm đó, sẽ không còn tình trạng thừa cung dầu trên thị trường toàn cầu bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela.
Ông Khalid cũng khẳng định cam kết cắt giảm sản lượng dầu mỏ giữa OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, hồi cuối năm 2018 là không thể đảo ngược.
"Thị trường dầu đang được hỗ trợ bởi hoạt động cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài OPEC. Việc giảm sản lượng này nhằm gây siết chặt nguồn cung và đẩy giá dầu lên", ông Andy Lipow - Chủ tịch Lipow Oil Associates, nhận xét.
"Có thể xem đây như một tín hiệu cho thấy Ả Rập Saudi sẽ tiếp tục tích cực giảm sản lượng", ông Lipow nhận xét về tuyên bố của Bộ trưởng Khalid.
Giá dầu thế giới đã thiết lập mức đỉnh mới trong phiên giao dịch ngày 20/2, khi giới đầu tư hy vọng cung-cầu "vàng đen" sẽ đạt được trạng thái cân bằng trong 2019.
Chốt phiên này, giá dầu thô Brent tăng 0,63 USD/thùng, tương đương tăng gần 1%, đạt 67,38 USD/thùng, cao nhất kể từ đầu năm. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI chốt phiên với mức tăng 0,83 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, đạt 56,92 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của loại dầu này kể từ ngày 12/11/2018.
OPEC và đối tác, gồm Nga, hay còn gọi là nhóm OPEC+ đã thực thi thỏa thuận giảm sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng/ngày từ ngày 1/1 năm nay.
Dự kiến, OPEC và các đối tác sẽ tổ chức cuộc họp tại thủ đô Vienna của Áo trong tháng 4/2019 để thảo luận về chính sách sản lượng và đánh giá về khả năng có gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau tháng 6 hay không.
Theo Bộ trưởng Falih, cuộc họp tới sẽ là một cột mốc quan trọng của hành trình ổn định thị trường dầu mỏ, trong việc giữ cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu dầu mỏ.
Mặc dù vậy, đà leo dốc của giá dầu trong dài hạn vẫn đang bị cản trở bởi xu hướng tăng lượng dầu tồn kho và sản lượng dầu đá phiến liên tục lập kỷ lục mới của Mỹ. Sản lượng dầu của nước này đã tăng hơn 2 triệu thùng trong năm ngoái, lên mức kỷ lục 11,9 triệu thùng dầu.
Theo dự báo của Reuters, tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng 3,1 triệu thùng, đánh dấu tuần tăng thứ 5 liên tiếp. Số liệu chính thức sẽ được Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào ngày 21/2.
EIA hôm 19/2 cho biết sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ đạt kỷ lục 8,4 triệu thùng/ngày vào tháng tới, cho thấy khả năng tổng sản lượng dầu của Mỹ giảm xuống trong ngắn hạn là rất thấp.
Một báo cáo của ngân hàng BNP Paribas cho rằng sản lượng dầu tăng của Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép giảm giá dầu trong năm nay. Ngân hàng này dự báo đến quý IV/2019, giá trung bình của dầu Brent sẽ là 67 USD/thùng và giá trung bình của dầu WTI sẽ là 61 USD/thùng.
"Do sản lượng dầu đã phiến tăng, Mỹ sẽ ngày càng xuất khẩu nhiều dầu ra thị trường quốc tế, trong khi nền kinh tế toàn cầu có thể đồng loạt suy giảm tăng trưởng", báo cáo của BNP Paribas nhấn mạnh.