Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguồn nhân lực chất lượng cho xuất khẩu lao động: Đáp án cho tình trạng khan hiếm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), năm 2010 đã có hơn 40.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài,

KTĐT - Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), năm 2010 đã có hơn 40.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó nhiều nhất vẫn là lao động phổ thông đi Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Macao, Lào… Còn với các thị trường lương cao, thu nhập hấp dẫn vẫn rất ít lao động đủ khả năng.


Muốn đi XKLĐ lại là người không có nghề


Hiện nay, nhu cầu xuất khẩu lao động (XKLĐ) nằm phần lớn ở lao động nông thôn, nhất là các vùng bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Họ được gọi là những lao động "3 không" (không nghề, không ngoại ngữ, không ý thức và tác phong công nghiệp). Sau khi đăng ký đi XKLĐ, họ mới được học một khóa nghề và ngoại ngữ cấp tốc. Nhưng các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá lao động Việt Nam không chỉ căn cứ vào bằng cấp mà còn thông qua kiểm tra, đánh giá thực tế. Nhiều lao động được coi là có nghề và đã từng làm việc thực tế nhưng khi tuyển lại không đáp ứng được những thao tác rất cơ bản do không được đào tạo chính quy.


Nhiều doanh nghiệp XKLĐ nhận định, những năm trước doanh nghiệp khá dễ tạo nguồn lao động. Nhưng những năm gần đây, công việc này rất khó khăn bởi rất ít doanh nghiệp tên tuổi đưa đi được trên dưới 1.000 người... Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, việc các doanh nghiệp tiếp nhận ngày một nhiều các đơn hàng tuyển dụng lao động có chất lượng, thu nhập khá là tín hiệu tích cực cho công tác XKLĐ. Có nhiều đơn hàng có chất lượng cao từ một số nước có thu nhập cao như Thụy Điển, Úc, New Zealand... Nhưng dù nhiều doanh nghiệp đã tuyển chọn, đào tạo lao động cho các thị trường này khá lâu vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng, đào tạo nguồn lao động.


Trường nghề đào tạolao động cho XKLĐ


Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn có nguồn lao động kỹ năng nghề cao để tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp XKLĐ còn phải trông cậy vào "sản phẩm đầu ra" của hệ thống dạy nghề. Nhưng việc gắn kết giữa đào tạo nghề và XKLĐ thời gian qua dù có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn bất cập, cơ sở dạy nghề không nắm được nhu cầu để đào tạo, còn doanh nghiệp thì không tìm được lao động đạt trình độ tay nghề theo yêu cầu của nhà tuyển dụng.


Theo lãnh đạo nhiều công ty XKLĐ, do các yêu cầu chuẩn trình độ của hệ thống dạy nghề Việt Nam không khớp với chuẩn nghề quốc tế cũng là một nguyên nhân gây khó khăn cho nguồn tuyển. Như thông thường, đối với thợ hàn, đối tác nước ngoài yêu cầu trình độ chuẩn theo các cấp độ từ 1G đến 6G... Thế nhưng hệ thống dạy nghề trong nước lại theo một tiêu chuẩn thợ hàn sơ cấp, thợ hàn bậc 3/7. Do vậy, khi tham gia thi tuyển, đa phần ứng viên tốt nghiệp bậc 3/7 không đáp ứng được tay nghề 3G...


Hiện một số trường nghề như Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội, CĐ điện lạnh… đã tham gia đào tạo nghề cho XKLĐ. Theo đó, các doanh nghiệp XKLĐ sẽ có đơn hàng tuyển lao động các nghề phù hợp, cam kết với cơ sở dạy nghề đưa số lao động sau đào tạo đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng lại rất hạn chế và phần lớn là đào tạo lại lao động đã được các công ty tuyển dụng.


Theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, để đảm bảo chất lượng đầu ra, các trường cần chủ động hơn trong việc phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ để đưa ra các hình thức đào tạo như nâng cao tay nghề... Cục cùng các đơn vị sẽ giám sát việc đào tạo của các cơ sở dạy nghề ... phát hiện những vướng mắc, hạn chế và tìm giải pháp xử lý kịp thời. Như vậy, phần nào khắc phục được tình trạng thiếu nguồn lao động chất lượng cho công tác XKLĐ hiện nay.