Thảo luận tại Quốc hội sáng 31/10, đại biểu Trịnh Ngọc Phương - Đoàn tỉnh Tây Ninh cho rằng Việt Nam hiện nay là một nền kinh tế chuyển đổi và đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ về tư duy điều hành kinh tế. Nhà nước đã có những cam kết ngày càng chặt chẽ trong việc mở cửa thị trường và điều hành khu vực kinh tế tư nhân. Đây cũng là khu vực đóng góp hơn 60% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động.
Thuế cũng là một trong những lĩnh vực có nhiều cải cách lớn kể từ khi mở cửa để phù hợp với nền kinh tế thị trường. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020, với mục tiêu tổng quát là xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước và là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả, hiệu lực.
Nhìn tổng thể hệ thống thuế của Việt Nam hiện nay khá tương đồng với các quốc gia có nền kinh tế thị trường lâu đời trên thế giới. Tuy nhiên, nhìn tổng quan thì hệ thống thuế còn những vấn đề cần quan tâm. Ví dụ như trong cơ cấu thuế, tỷ trọng thuế gián thu đã tăng mạnh hơn 60%, tỷ trọng thuế trực thu giảm xuống dưới 40%. Còn các khoản thu về phí, lệ phí, trừ phí trước bạ chiếm gần 10% trong tổng thu ngân sách.
Hiện có khoảng 100 loại phí và 50 loại lệ phí. Khoản thu từ đất tiếp tục chiếm vai trò quan trọng trong nguồn thu ngân sách, khoảng 11%/năm; trong nguồn thu này có tới 80% là thu từ quyền sử dụng đất. Nguồn thu từ quyền sử dụng đất có tính chất là thu một lần, do đó, thiếu tính bền vững.
Xét về miễn giảm thuế hiện nay cho thấy, phổ biến nhất là thuế thu nhập DN. Nhiều tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam chỉ phải chịu mức thuế suất là 10%, thấp bằng một nữa mức thuế suất phổ thông 20%. Hơn nữa, việc trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia diễn ra khá phổ biến, nhưng chúng ta mới điều tra, xử lý theo quy định trong vài năm gần đây.
Các khoản thu ngoài ngân sách Nhà nước không được công khai, dù được quy định bởi các văn bản dưới luật như: Quỹ bình ổn giá xăng dầu; Quỹ bảo trì đường bộ; Quỹ bảo vệ môi trường…
Các thông tin của DN, cá nhân nộp thuế không thể tiếp cận. Báo cáo kiểm toán về thu ngân sách mặc dù được công bố nhưng rất khó hiểu vì chỉ công bố các bảng số liệu những không có lời dẫn giải kèm theo, cũng như tính minh bạch.
Câu hỏi đặt ra là, những chính sách thuế đã đảm bảo tính công bằng hay chưa? Sự công bằng đó đang ở mức độ nào? Liệu hệ thống thuế của ta đã bao quát đầy đủ các nguồn thu hay chưa? Việc quản lý thuế có được thực hiện một cách minh bạch và rõ ràng không? Đặc biệt, hệ thống thuế cần tiếp tục được cải thiện theo hướng nào để thu hút đầu tư cũng như góp phần thực hiẹn bình đẳng, công bằng xã hội và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương góp ý, thuế trực thu ngày càng thấp cho thấy chúng ta đang dựa nhiều vào thuế tiêu dùng và có tác động không tốt đến công bằng trong chi tiếu. Vì vậy cần cân nhắc khi đề xuất tăng thêm các khoản thu với tiêu dùng. Thay vì thế, Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung các loại thuế đối với tài sản.
Rà soát lại ưu đãi về thuế với DN, nhất là DN FDI. Cần công khai cho người dân biết số thực thu do ưu đãi thuế. Đồng thời cần tính toán cân nhắc giảm số hộ kinh doanh nộp thuế khoán. Nhiều chuyên gia cho rằng thuế khoán làm thất thu và dễ xảy ra tham nhũng.
Đối với nguồn thu ngân sách dựa trên bán tài sản từ đất, vốn không bền vững và sẽ ngày càng sụt giảm. Do đó Chính phủ cần có biện pháp cắt giảm chi tiêu hiệu quả. Và tìm kiếm nguồn thu khác bổ sung.