Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ bất ổn từ sự phẫn nộ trên đường phố

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kể từ khi các nền kinh tế trong khu vực đồng tiền chung châu Âu phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, chưa bao giờ lục địa già phải chứng kiến nhiều cuộc bãi công, biểu tình như hiện nay.

Và làn sóng biểu tình được gọi là “sự phẫn nộ trên đường phố“ của người dân châu Âu đối với hành động cắt giảm lương, trợ cấp, tăng thuế... dường như vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

 
Nguy cơ bất ổn từ sự phẫn nộ trên đường phố - Ảnh 1
 
Nguồn: Internet.

Chiều 21/4, hãng hàng không Lufthansa của Đức đã phải hủy gần 40 chuyến bay từ nước này đến Nga và ngược lại do nhân viên dưới mặt đất của hãng bắt đầu ngừng làm việc, mở màn cho cuộc tổng bãi công quy mô lớn diễn ra cả ngày 22/4. Cuộc tổng bãi công, do nghiệp đoàn Verdi phát động, đã thu hút nhiều nhân viên kỹ thuật, nhân viên dịch vụ và tiếp nhận hành lý của hãng hàng không Lufthansa, bắt đầu từ sân bay quốc tế Stuttgart ở Baden-Wurttemberg. Hiện, cuộc tổng bãi công đã lan đến các sân bay lớn khác của Đức như Hamburg, Munich, Hanover, Dusseldorf, Cologne, Berlin...

Ít nhất gần 2.000 chuyến bay chiều 22/4 và sáng 23/4 của hãng bị hủy bỏ, chỉ có 20/1.650 chuyến bay nội địa và trong khu vực châu Âu được thực hiện chắc chắn sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành công nghiệp hàng không Đức nói riêng và châu Âu nói chung.

Trong khi đó, cùng ngày, gần 70.000 nhân viên các bệnh viện ở Madrid (Tây Ban Nha) đã đổ ra các đường phố trung tâm để biểu tình phản đối kế hoạch tư nhân hóa 6/20 bệnh viện lớn tại Thủ đô. Trong thời gian qua, các nhân viên y tế ở Madrid đã tiến hành hàng chục cuộc biểu tình phản đối, được các nhà tổ chức gọi là "làn sóng trắng" vì cho rằng việc tư hữu hóa các bệnh viện là nhằm tăng giá dịch vụ và cắt giảm việc làm. Các nhà quan sát dự báo, việc Chính phủ Tây Ban Nha phải thực hiện mục tiêu tiết kiệm 150 tỷ Euro cho ngân sách đến năm 2014 sẽ khiến nước này phải tiếp tục chứng kiến :sự phẫn nộ trên đường phố” và gây ra nguy cơ bất ổn xã hội.