Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ mất việc ngay trên sân nhà

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, nhiều cơ hội mở ra cho lao động Việt Nam cũng như những người sử dụng lao động ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định bên lề Hội thảo Thị trường lao động Việt Nam sau khi thành lập AEC, diễn ra sáng 13/1.

Nguy cơ mất việc ngay trên sân nhà - Ảnh 1Ông có thể nói rõ hơn về những cơ hội?

- 8 lĩnh vực nghề có thỏa thuận công nhận kỹ năng lẫn nhau, được di chuyển tự do trong các nước ASEAN mở ra cơ hội rất lớn cho lao động Việt Nam tìm kiếm việc làm. Trước đây, chúng ta chỉ bó gọn thị trường lao động trong nước với hơn 90 triệu dân, nay thị trường ASEAN với hơn 600 triệu người, gấp 7 lần. Tuy nhiên, thách thức cũng không ít. Đó là kiến thức, kỹ năng phải được công nhận lẫn nhau giữa các nước ASEAN; chuẩn đầu ra hệ thống giáo dục của ta là của Việt Nam, nhưng khi công nhận kỹ năng lẫn nhau thì phải là khung trình độ ASEAN. Kiến thức và kỹ năng của kỹ sư Việt Nam có đạt trình độ để tự do di chuyển hay không đòi hỏi rất lớn ở việc nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục. Hơn thế, lao động Việt Nam có giữ được chỗ làm ở trong nước hay người nước khác vào, mặc dù 8 lĩnh vực nghề chỉ ảnh hưởng 1 - 1,5% lực lượng lao động Việt Nam, nhưng đây là những lĩnh vực lao động có kỹ thuật, vị trí việc làm tốt.

Theo ông, những giải pháp nào có thể giúp lao động Việt Nam tìm được việc làm tốt?

- Đó là tổ chức tốt hơn thông tin thị trường lao động. Chúng ta phải nắm bắt được thị trường trong nước và khu vực ASEAN, chỗ nào có vị trí việc làm, thông báo cho người lao động Việt Nam biết để ứng tuyển vào vị trí đó. Cũng cần có sự liên kế chặt chẽ hơn giữa các địa phương và giữa các sở LĐTB&XH. Mỗi khi có vị trí cần tuyển, các trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm thông báo trên toàn hệ thống trong vòng 30 ngày, nếu không tuyển được lao động trong nước thì người nước ngoài mới được vào ứng tuyển. Giải pháp mà các nước dự kiến sẽ làm chính là hàng rào kỹ thuật về ngôn ngữ. Nếu lao động nước ngoài muốn vào Thái Lan làm việc phải đạt trình độ tiếng Thái theo quy định... Cũng giống như hiện nay chúng ta gửi lao động đi Hàn Quốc phải thi đạt trình độ tiếng Hàn...

Ông đánh giá thế nào về trình độ lao động của người Việt Nam so với các nước trong khu vực ASEAN?

- Nhiều khi chúng ta phê phán rất mạnh hệ thống giáo dục của mình, bởi số lao động có trình độ trên đại học thất nghiệp nhiều. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài và DN đánh giá, các cơ sở đào tạo kiến thức, kỹ năng vẫn còn khoảng cách khá lớn so với yêu cầu của người sử dụng. Vì thế, các nhà trường cần liên kết chặt chẽ hơn với DN, cơ quan quản lý thị trường lao động để thu hẹp khoảng cách. Chúng ta cũng phải xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng theo ngành đào tạo mà đơn vị sử dụng lao động yêu cầu. Tất nhiên, chúng ta đang từng bước tiếp cận theo hướng này.

Trước sự tự do dịch chuyển lao động, ông có cảnh báo gì đối với lao động Việt Nam?

- Thứ nhất, người lao động Việt Nam cố gắng có các kiến thức kỹ năng theo khung trình độ khu vực ASEAN đòi hỏi. Bên cạnh việc học ở trường, nên tìm hiểu thêm để lấp đầy kiến thức. Thứ hai, trang bị khả năng ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, bởi người lao động làm việc theo nhóm có sự chỉ đạo của người quản lý, rồi cũng phải trao đổi mình có khả năng gì và nên làm thế nào. Nhiều khi người lao động của ta được đánh giá thông minh, có nhiều sáng kiến, nhưng lại không trình bày với quản lý, nhóm làm việc nên không có giá trị. Cùng với đó là rèn luyện ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp cùng nhiều kỹ năng mềm mà người lao động cần có, mới tận dụng được những lợi thế ở AEC.

Xin cảm ơn ông!