Các khu còn lại hoặc mới chỉ là đề án chưa được cấp phép đầu tư, hoặc chưa GPMB xong, chưa được bộ chủ quản thẩm định…
Chậm triển khai
Theo báo cáo tổng kết mới nhất của Sở TT&TT Hà Nội về Chương trình phát triển Công nghiệp CNTT TP Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015, hiện nay, ngoài Khu CNTT tập trung Cầu Giấy đã đi vào hoạt động, còn lại việc triển khai xây dựng Khu Công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm của TP Hà Nội, Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, Khu Công viên CNTT Hà Nội nhất là các phân khu chức năng phục vụ sản xuất, đào tạo, nghiên cứu các sản phẩm, dịch vụ CNTT… còn khá chậm.
Đầu tiên là Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội với tổng diện tích đất quy hoạch khoảng 32,14ha, tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Dự án (DA) được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 3834/QĐ-UBND ngày 4/8/2010; Giấy Chứng nhận đầu tư số 01121000916 ngày 13/12/2010, Giấy Chứng nhận đầu tư điều chỉnh ngày 26/1/2011. Tuy nhiên, đến nay, DA mới hoàn thiện một phần cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Được biết, trong năm 2015, UBND TP đã 2 lần gửi văn bản trình Bộ TT&TT thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, Bộ TT&TT vẫn chưa có câu trả lời.
Thứ hai là DA Khu Công viên CNTT Hà Nội do Công ty CP Him Lam - Chi nhánh Hà Nội làm chủ đầu tư với tổng diện tích quy hoạch hơn 36ha thuộc phường Phúc Đồng và Long Biên, quận Long Biên. DA được Ban quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01221000447 ngày 19/9/2012. Tính đến nay đã gần 4 năm, chủ đầu tư mới chỉ giải phóng và san lấp được 20/26ha diện tích mặt bằng, còn khoảng 6ha vẫn vướng đền bù với người dân địa phương nên chưa thể GPMB xong. Do đó, dù có “danh xưng” là khu công viên CNTT nhưng hiện chủ đầu tư mới hoàn thành đưa vào sử dụng hạng mục xây dựng Trung tâm thương mại triển lãm AEON Mall Long Biên.
Trong khi đó, DA Khu Công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm của TP Hà Nội mới chỉ được UBND TP đồng ý chủ trương về địa điểm quy hoạch tại 2 xã Nguyên Khê và Tiên Dương, huyện Đông Anh nằm trong Quy hoạch tổng thể chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài với quy mô khoảng 70 - 80ha. Bà Kim Lan Hương – Trưởng phòng Công nghiệp CNTT, Sở TT&TT Hà Nội cho hay: “Sở được giao chủ trì xây dựng đề án và đang xin chủ trương họp Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT TP để lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện đề án”. Như vậy, nếu nhanh nhất thì hết năm 2016, đề án Khu Công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm của TP Hà Nội mới xong được thủ tục cấp phép đầu tư.
Đến nay, trên địa bàn Hà Nội chỉ có Khu CNTT tập trung Cầu Giấy là đã đi vào hoạt động. Đây là khu CNTT tập trung đầu tiên của TP và là khu CNTT tập trung thứ ba của cả nước được Bộ TT&TT công nhận. Theo báo cáo của Sở TT&TT Hà Nội, toàn khu hiện có 29/36 tòa nhà đã xây dựng hoàn chỉnh và đi vào hoạt động, thu hút 80/298 DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT, trong đó tập trung nhiều tập đoàn, DN CNTT lớn hàng đầu Việt Nam với số lượng lao động về CNTT hơn 9.500 người.
Thiệt hại trước tiên là doanh nghiệp
Với hiện trạng hiện nay có thể thấy rõ Hà Nội chưa thực sự có những khu CNTT tập trung hoàn chỉnh, với bộ máy quản lý thông suốt và minh bạch. Ngay cả Khu công nghệ cao Hòa Lạc (tại huyện Thạch Thất, được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 621/QĐ-TTg ngày 23/5/2008), đến tháng 6/2015, Bộ KH&CN mới tổ chức khởi công phần cơ sở hạ tầng với tổng vốn đầu tư khoảng 450 triệu USD, trong đó 400 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Chưa kể với 2 Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội và Khu Công viên CNTT Hà Nội, kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư đến nay mặc dù chủ đầu tư đã bỏ ra không ít vốn nhưng vẫn chưa thể triển khai như tiến độ. Dễ thấy thiệt hại từ sự chậm trễ này trước tiên là DN.
Cách đây không lâu khi UBND TP Hà Nội tổ chức gặp gỡ các DN CNTT trên địa bàn, trong phần kiến nghị với lãnh đạo TP, đại diện một số DN đã thẳng thắn nêu ra khó khăn chính hiện tại là chưa có mặt bằng ổn định cho sản xuất. Thực tế trong số hơn 5.000 DN CNTT đang hoạt động trên địa bàn thì chỉ số ít DN có trụ sở khang trang với quy mô lao động lớn, còn lại gần 5.000 DN là gặp khó về nơi sản xuất. Do đó, việc chậm triển khai các DA khu CNTT tập trung, khu công viên phần mềm sẽ tiếp tục kéo dài sự khó khăn của những DN này trong vài năm tới.
Nhìn ra các địa phương khác như TP Hồ Chí Minh đã có Khu Công viên phần mềm Quang Trung hoạt động từ năm 2001 là trung tâm CNTT lớn nhất Việt Nam hiện nay; Đà Nẵng có Công viên phần mềm Đà Nẵng khai trương từ năm 2010 thu hút rất đông các DN CNTT lớn trong và ngoài nước. Còn Hà Nội, nổi bật nhất hiện nay là Khu CNTT tập trung Cầu Giấy. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì đây là khu CNTT không nằm trong quy hoạch ban đầu của TP, mà khởi điểm là Cụm Tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhỏ Cầu Giấy, đến năm 2013, Bộ TT&TT mới có quyết định công nhận là khu CNTT tập trung. Với một Ban quản lý Khu CNTT còn thiếu cả về nhân lực và cơ sở vật chất như hiện nay thì vấn đề quản lý Khu CNTT tập trung Cầu Giấy vẫn đang là thách thức của Hà Nội. Tại một cuộc họp lấy ý kiến DN do Sở TT&TT Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều DN lên tiếng phàn nàn về tình trạng DN trong khu CNTT tập trung Cầu Giấy chưa nhận được lợi ích hơn các DN nằm ngoài khu như cam kết, nhiều DN gặp khó khăn khi hoàn thành các thủ tục để được hưởng ưu đãi về thuế, hải quan…
Cần giải pháp cụ thể, quyết liệt
Phát triển các khu CNTT tập trung là một trong những mục tiêu của Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 của Chính phủ. Hà Nội và nhiều tỉnh, thành đã có chủ trương phát triển ngành công nghiệp xanh này nhưng từ quyết tâm của lãnh đạo tới hành động cụ thể ở các cấp vẫn còn là một khoảng cách tương đối xa!
Tiến độ triển khai các khu CNTT tập trung chậm, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp CNTT của Hà Nội còn rất thấp, chưa tương xứng với lợi thế của Thủ đô. Nếu Hà Nội không có các giải pháp, triển khai quyết liệt ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số CNTT thì nguy cơ tụt hậu là khó tránh. Chỉ làm một phép so sánh nhỏ, tính đến hết năm 2015, Hà Nội thu hút được gần 320 triệu USD vốn FDI vào công nghiệp CNTT, trong khi riêng Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh năm 2014 đã hút gần 1,9 tỷ USD.
Có thể thấy rõ thiếu vắng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù từ cấp T.Ư cho phát triển công nghiệp CNTT là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện trạng các khu CNTT tập trung như hiện nay. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách TP cho Chương trình phát triển công nghiệp CNTT TP Hà Nội, phát triển kinh tế tri thức còn rất hạn chế, từ năm 2011 đến nay chỉ khoảng… 400 triệu đồng/năm. Với chừng đó kinh phí, Hà Nội không thể hỗ trợ cho hàng ngàn DN khởi nghiệp (start up) và DN nhỏ và vừa, không thể đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ cao, không thể thúc đẩy đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị cho các DN CNTT trên địa bàn…
Do đó, cần thiết phải nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho phát triển công nghiệp CNTT. Ví như chính sách thu hút và ưu đãi đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trọn gói vào khu CNTT tập trung; chính sách đặc thù của TP hỗ trợ, ưu đãi đối với các DN CNTT trong khu CNTT tập trung; quy định về thuê dịch vụ CNTT (dịch vụ tư vấn, hạ tầng, lưu trữ, quản lý, khai thác dữ liệu, đào tạo...); chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT trong DN và trong phát triển kinh tế - xã hội...
Đặc biệt, theo các chuyên gia CNTT, Hà Nội cần mạnh dạn xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển công nghiệp CNTT theo hướng xã hội hóa. Thực ra quỹ này hoạt động như mô hình của các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đang hoạt động rất hiệu quả trên thế giới. Ngay tại Việt Nam, đã có nhiều dự án khởi nghiệp thành công là nhờ có nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài với thủ tục thẩm định, xét duyệt, rót vốn nhanh gọn, minh bạch. Bên cạnh đó, Hà Nội cần có cơ chế khuyến khích các DN tự đầu tư cho ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin tại Tập đoàn FPT trong khu CNTT Cầu Giấy. Ảnh: Anh Thu
|