Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy hiểm hóc dị vật

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do chủ quan nên nhiều người lớn bị hóc dị vật đã tự ý xử lý tại nhà, khiến dị vật lọt sâu hơn vào thực quản, phổi gây nguy hiểm đến tính mạng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, dù người lớn hay trẻ nhỏ bị hóc dị vật cần sớm đến các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, tuyệt đối không tự ý dùng các mẹo dân gian.

Hậu quả của sơ ý

Mới đây, Bệnh viện (BV) E đã phẫu thuật thành công cho một trường hợp bệnh nhân nữ (36 tuổi, ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị hóc xương gà đâm sâu dưới 1/3 thực quản. Điều đáng nói, khi hóc xương, bệnh nhân không đến ngay BV, mà chữa mẹo dân gian và uống sữa để mong mảnh xương đó tiêu đi. Khi đến BV, khu vực xương bị vướng đã biến chứng áp xe, nhiễm trùng nặng khiến ca phẫu thuật gắp dị vật khá phức tạp và nguy hiểm. Tại Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai, các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận các ca hóc dị vật ở cả người lớn lẫn trẻ em. Nhiều trường hợp bị hóc dị vật, nhưng bản thân cũng không biết, chỉ khi thấy đau tức ngực và ho kéo dài mới đến BV khám và tá hỏa khi hình ảnh chụp X-quang cho thấy có dị vật trong đường thở.

Các bác sĩ Bệnh viện E nội soi gắp xương gà cho bệnh nhân. Ảnh: Hà Ngân

Điển hình là một hợp bệnh nhân nam (47 tuổi, Nam Định) đến khám tại Trung tâm hô hấp, BV Bạch Mai do ho kéo dài, đau ngực bên phải. Qua thăm khám bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị giãn phế quản và có dị vật trong đường thở. Dị vật được gắp ra là một hạt hồng xiêm và xuất hiện nhiều dịch mủ ở phía dưới chỗ tắc. Lúc này, gia đình bệnh nhân mới nhớ lại, cách đó một năm bệnh nhân bị sặc khi ăn hồng xiêm và cũng đã đi khám ở nhiều nơi nhưng không phát hiện ra. Nhiều trường hợp khác được đưa đến BV trong tình trạng hóc xương cá, tăm xỉa răng, hạt quả, chìa khóa, nắp vỏ chai… Thậm chí, có bệnh nhân “quên” bóc vỏ nhôm của viên thuốc trước khi uống.

Không tự ý móc dị vật

Bác sĩ Đặng Trung Thành – Phó trưởng Khoa Tiêu hóa, BV E cho biết, hóc dị vật thường theo đường ăn (thực quản) hoặc đường thở (khí quản, phế quản). Khi dị vật bị nuốt vào thực quản, nếu sắc nhọn hoặc có kích thước lớn sẽ mắc vào thực quản, cổ hoặc trong lồng ngực. Khi dị vật vào đường thở, nếu lớn có thể bít đường thở gây suy hô hấp, tử vong, nếu nhỏ hơn sẽ vào sâu trong khí quản và tùy theo kích thước hoặc hình dáng mà vào sâu tới phế quản gốc hoặc các phế quản thùy phổi, gây ho, thở khò khè giống hen suyễn hay viêm phế quản, để lâu có thể ho ra máu, gây viêm nhiễm hoặc áp xe quanh dị vật.

Bác sĩ Thành khuyến cáo, các trường hợp bị hóc xương cần đến ngay BV để được khám và xử lý kịp thời. Đặc biệt, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý móc, gắp dị vật ra vì như vậy càng khiến dị vật trôi xuống sâu hoặc đâm sâu hơn vào thực quản. Bên cạnh đó, đối với bệnh nhân khi bị hóc xương cá hay xương gà tuyệt đối không chữa mẹo hay dùng bài thuốc dân gian vì sẽ gây nguy hại cho sức khỏe.

Khi gặp những ca hóc dị vật, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp ít xâm lấn nhất để lấy dị vật ra. Đầu tiên sẽ ưu tiên các đường tự nhiên để nội soi. Trong trường hợp nội soi đường tự nhiên thất bại hoặc có thể gây nguy hiểm thì sẽ được chuyển sang phẫu thuật nội soi để lấy dị vật cả ở thực quản và khí quản. 

Bác sĩ Đặng Trung Thành – Phó trưởng Khoa Tiêu hóa, BV E