Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà băng đau đầu vì chi phí ngầm trong huy động vốn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Huy động với lãi suất thực tế là 17 % một năm hoặc hơn nhưng chỉ ghi trên sổ sách 14%, nhiều nhà băng loay hoay với việc giám sát nhân viên khi chi phí ngầm trong huy động vốn khó kiểm soát.

KTĐT - Huy động với lãi suất thực tế là 17 % một năm hoặc hơn nhưng chỉ ghi trên sổ sách 14%, nhiều nhà băng loay hoay với việc giám sát nhân viên khi chi phí ngầm trong huy động vốn khó kiểm soát.

Hiện tại, lãi suất thực tế trên thị trường liên ngân hàng lúc cao điểm đã ở mức trên 20% một năm. Đối với lãi suất tiết kiệm, một số nhà băng đã đưa lên 17% dưới nhiều hình thức khác nhau. Riêng với những khách hàng gửi tiết kiệm siêu VIP hoặc doanh nghiệp có tiền gửi lớn thì lãi suất có thể cao hơn. Tuy nhiên, tất cả lãi suất được ghi trên sổ sách đều là 14% một năm.

Tổng giám đốc một nhà băng cổ phần cỡ vừa ở Hà Nội cho biết, chi phí huy động vốn tăng khi chính sách tiền tệ thắt chặt là bình thường. Tuy nhiên, điều khiến ông này thấy khó nhất là việc quản lý các chi phí ngầm phát sinh từ việc huy động vốn "vượt rào". “Hạch toán trên sổ sách là 14% một năm nhưng lãi suất thực là 17% hoặc hơn thì phải ẩn các khoản ‘vênh’ bằng nhiều cách khác nhau. Đặc biệt mệt mỏi là các khoản chi không có chứng từ phát sinh”, ông này nói.

Nguồn tin từ một nhà băng lớn cho biết, tổ chức này đã phải sa thải một số nhân viên liên quan đến việc huy động vốn từ khách hàng tổ chức. Một lãnh đạo của nhà băng than thở: “Bây giờ, việc ‘đi đêm’ với khách hàng để giữ vốn hoặc kéo từ nhà băng khác về là phổ biến. Nếu mình không làm thì sẽ bị mất vốn, còn làm thì công lao xây dựng các quy chuẩn về đạo đức nhiều năm ‘đổ xuống sông xuống biển’ hết”.

Theo tìm hiểu của PV, việc ‘đi đêm’ giữa nhân viên nhà băng và khách hàng (đặc biệt là tổ chức) khi huy động vốn vượt mức 14% một năm, tạo ra các khoản chi phí ngầm. Trên sổ sách của ngân hàng, tất cả mức lãi suất trả cho người gửi đều là 14% một năm, còn phần chênh lệch có thể “tùy biến” vào những chi phí khác.

Với các khách hàng cá nhân, phần chênh lệch được hạch toán ngay trên sổ sách bằng việc khai tăng phần tiền gửi vào số với số thực nộp. Riêng với các khách hàng tổ chức, tùy từng trường hợp mà số chênh lệch này sẽ được “hạch toán” theo cách phù hợp.

“Ghi trên sổ là 14%, khách hàng yêu cầu trả 15,5% -16% nhưng 1,5% -2% là đưa bên ngoài. Không làm thì mất khách, mà làm thì khoản ‘đưa ngoài’ này rất khó quản lý và dễ bị lợi dụng. Đây là chưa nói đến việc khoản chênh lệch này có giá trị lớn, tạo ra những cám dỗ làm hỏng đạo đức nhân viên của ngân hàng. Hiện chúng tôi cũng không biết phải quản lý việc 'đưa ngoài' này thế nào cho phải”, tổng giám đốc một ngân hàng ở Hà Nội than thở.

Phó chủ tịch thường trực hội đồng quản trị một ngân hàng lớn nhận xét, việc phải trả những khoản chi phí ngầm trong huy động vốn đang diễn ra tràn lan khắp các nhà băng sẽ để lại hậu quả lâu dài đối với đạo đức của ngành tài chính. Điều mà chưa ai tính toán được mức độ thiệt hại.

Tổng giám đốc một nhà băng cổ phần lớn cho biết, do kiên quyết không áp dụng các chính sách "trả ngoài" cho khách hàng, đơn vị này đã bị mất hơn 3.000 tỷ đồng tiền gửi doanh nghiệp và khoảng 1.000 tỷ đồng tiết kiệm cá nhân. “Ngân hàng nào cũng làm và mặt bằng lãi suất thực tế trên thị trường cao hơn 14% nên chúng tôi đang đứng trước một quyết định rất khó khăn: Có nên làm như họ hay không?”, ông này tâm sự.

Trong khi đó, nguồn tin từ một ngân hàng quốc doanh cho biết, hội sở chính chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch không được làm trái quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất. Thế nhưng, khi làm đúng luật, vốn từ nhà băng này bị chảy đi khá nhiều.

“Chi nhánh họ phải chịu áp lực của chỉ tiêu huy động, cho vay, cũng như lợi nhuận. Làm đúng quy định trong khi các nơi khác đều ‘xé rào’ thì nguồn vốn của họ bị sụt giảm, nếu không có phản ứng phù hợp thì chi nhánh sẽ rất nguy. Vì thế họ đành phải ‘vận dụng’ thôi”, lãnh đạo ngân hàng này chia sẻ.

Khẳng định không “bật đèn xanh” cho việc huy động vốn với lãi suất vượt trần nhưng vị lãnh đạo ngân hàng quốc doanh cho biết, nếu phát hiện chi nhánh nào vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm. Tuy nhiên, trong khuôn khổ những điều pháp luật cho phép, chi nhánh có thể tìm ra cách riêng, tránh việc nguồn vốn huy động bị sụt giảm.