KTĐT - Trong số các ngân hàng đã “đồng thuận” hạ lãi suất tiết kiệm về 11,2% tại cuộc họp với Hiệp hội ngân hàng cuối tuần trước, một vài nhà bằng vẫn tuân thủ nhưng không cảm thấy thỏa đáng.
Theo thỏa thuận giữa các nhà băng, kể từ 5/7 lãi suất tiết kiệm sẽ đồng loạt hạ xuống mức 11% một năm và dao động trong khoảng 0,2%. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng không hạ đúng thời điểm này dẫn tới việc tị nạnh nhau.
Trong ngày 5/7, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là đơn vị quốc doanh đầu tiên hạ lãi suất tiết kiệm xuống 11%, tại một số chi nhánh là 11,2%. Chỉ sau hơn 2 ngày hạ lãi suất, hàng chục chi nhánh phản ánh về hội sở chính của ngân hàng này về việc bị khách hàng rút tiền chuyển sang ngân hàng khác.
Nguồn tin từ BIDV cho biết, không chỉ nhiều ngân hàng cổ phần chưa hạ lãi suất đúng ngày 5/7 mà các tổ chức quốc doanh khác cũng chưa điều chỉnh. “Chúng tôi làm nghiêm thì bị thiệt”, lãnh đạo của BIDV cho biết. Lãnh đạo của BIDV đã có thông tin phản ánh tới Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội ngân hàng về vấn đề này.
Trưởng phòng phụ trách nguồn vốn một ngân hàng quốc doanh giải thích, ngày 6/7 nhà băng mới nhận được công văn và làm ngay tờ trình thì hôm sau mới có phê duyệt. Việc cập nhật lãi suất vào hệ thống và triển khai tại các chi nhánh cũng phải có thời gian nên chưa thể thực hiện vào ngày 7/7 trên toàn quốc.
Trong ngày 6/7, một số ngân hàng cổ phần như Việt Á, An Bình, Sài Gòn – Hà Nội, Miền Tây cũng đã đưa lãi suất tiết kiệm về mức 11,2%. Tuy nhiên, các ngân hàng cổ phần lớn như Á Châu, Techcombank, Sacombank, Eximbank và nhiều ngân hàng cỡ vừa vẫn chưa có thay đổi.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cỡ vừa bức xúc: “Chúng tôi làm nghiêm nên tiền bị chuyển sang ngân hàng khác không ít. Trong bối cảnh huy động vốn gặp khó khăn, để lãi suất tiết kiệm bằng ngân hàng lớn chúng tôi đã yếu thế rồi, lại còn thêm chuyện mình hạ các ông to thì không”.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cỡ vừa giải thích việc chậm trễ là do phải trông chừng các ngân hàng khác làm gì. “Mình làm nghiêm mà các ngân hàng khác không làm thì mình mất khách hàng ngay. HIện tại, giữ khách còn khó và mất khách gửi tiền thì việc hút lại là cực kỳ tốn kém”, ông này nhận định.
Trong ngày 7/7, Ngân hàng Á Châu và Techcombank đã bắt đầu có văn bản hạ lãi suất tiết kiệm xuống còn 11,2% nhưng áp dụng trên phạm vi rộng từ 8/7.
Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cho biết, theo thỏa thuận thì các tổ chức tín dụng sẽ đồng loạt hạ lãi suất tiết kiệm kể từ 5/7. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc hạ lãi suất tại một số ngân hàng có thể chậm một vài ngày. Dự kiến trong tuần các ngân hàng sẽ đưa mặt bằng tiết kiệm về mức 11,2%.
Trong số các ngân hàng đã “đồng thuận” hạ lãi suất tiết kiệm về 11,2% tại cuộc họp với Hiệp hội ngân hàng cuối tuần trước, một vài nhà bằng vẫn tuân thủ nhưng không cảm thấy thỏa đáng. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội nói: “Nếu như lãi suất của các ngân hàng đều bằng nhau thì nhà băng nhỏ liệu có cạnh tranh được không? Việc xóa bỏ đường cong lãi suất, xóa bỏ tín hiệu thị trường là chuyện không nên làm nhưng các ngân hàng nhỏ bị ép phải làm chứ bảo đồng thuận thực sự là không đúng”.