Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà báo phải luôn rèn luyện đạo đức, lăn lộn thực tiễn, gắn bó với Nhân dân

Nhất Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, chỉ đạo, rèn luyện ngày càng trưởng thành và vững mạnh, mà trong đó, những bài báo của Bác là một phần quan trọng.

Bác Hồ là một nhà báo lớn, chuyên nghiệp và trong sự nghiệp cách mạng của mình, Người coi báo chí là công cụ sắc bén. Cán bộ báo chí là chiến sĩ cách mạng và trang giấy, ngòi bút là vũ khí. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo sắc bén và tài hoa với hàng loạt tác phẩm đúng đắn về nội dung, hùng hồn về lý luận, mẫu mực về ngôn ngữ, có sức đi sâu vào quần chúng, thức tỉnh lòng người, khiến quân thù khiếp sợ. Bác không viết sách dạy lý luận báo chí, song những phát biểu của Người là một hệ thống quan điểm mang tính kinh điển về báo chí cách mạng. 
Bác Hồ với phóng viên báo chí (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ với phóng viên báo chí (Ảnh tư liệu)
Khi cầm bút, Người không hề quan tâm đến tên tuổi và lợi ích riêng, Người viết không phải để “lưu danh thiên cổ”. Suốt đời, Người chỉ hướng về cái đích thiêng liêng là mang trí tuệ và ngòi bút của mình phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Người đã nhiều lần nhấn mạnh đến tư cách chiến sĩ của nhà báo. Ngày 25/5/1947, trong một bức thư gửi trí thức Nam bộ, trong đó có các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, mà anh em văn hóa trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”.

Trong cách thể hiện, Người cho rằng: “Làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung, cách viết”. Mục đích “Viết để làm gì? Viết để cho ai xem? Viết như thế nào?” chính là những yếu tố giúp báo chí hoàn thành sứ mệnh là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng; là cầu nối để các cộng đồng hiểu nhau hơn. Bác có một thói quen là thường đem những bài báo sau khi viết xong cho những người xung quanh nghe và góp ý, kể cả khi Người đã làm Chủ tịch nước. Văn phong của Bác thường ngắn gọn, trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ mà vẫn thể hiện những nội dung quan trọng cần truyền bá tới người dân. Người căn dặn: "Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được". Người khuyên đội ngũ phóng viên: "Muốn viết báo khá, thì cần:1. Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người ta. 3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho họ hiểu. 4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ:
Nhà báo phải luôn rèn luyện đạo đức, lăn lộn thực tiễn, gắn bó với Nhân dân - Ảnh 1
Người cũng cho rằng: “Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham thích thì không xứng đáng là một tờ báo” và “Không riêng vì viết sách, viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của Nhân dân”. Về quan điểm báo chí, Hồ Chí Minh rất coi trọng “tự do tư tưởng”. Người viết: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do... Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý...”. Nhưng tự do gắn với trách nhiệm, tự do với tinh thần phục thiện: “Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm ra chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho Nhân dân”. 

Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, Người đòi hỏi đội ngũ nhà báo phải là những người chí công vô tư, hiểu biết rộng và nhất là có cái tâm trong sáng. Người dạy, báo chí là một nghề, cho nên người làm báo cách mạng cần được bồi dưỡng lập trường cách mạng vững vàng, thường xuyên rèn luyện đạo đức, được đào tạo nghề nghiệp, biết ngoại ngữ, phải lăn lộn trong thực tiễn và gắn bó với Nhân dân.

Hiện nay, đất nước đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi cơ quan báo chí và những người làm báo tiếp tục phát huy truyền thống báo chí cách mạng 91 năm qua, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, luôn quán triệt quan điểm có tính nguyên tắc, đó là báo chí đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, nhà nước, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn của Nhân dân; tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới; đồng thời tiếp tục tuyên truyền và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Và do vậy, mỗi cơ quan báo chí nói chung, nhà báo nói riêng cần luôn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Cụ thể, cơ quan báo chí cần tăng cường và thường xuyên tiến hành công tác bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Thường xuyên giáo dục cho cán bộ, phóng viên về đạo đức nghề báo và nâng cao vai trò giám sát, kiểm tra của các tổ chức này về đạo đức nghề báo. Người đứng đầu cơ quan báo chí phải là tấm gương tiêu biểu trong việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp và thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên trong cơ quan vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn vừa bảo đảm đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên sai phạm về đạo đức nghề báo

Mỗi nhà báo phải không ngừng học tập phong cách, đạo đức làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi nhà báo phải luôn xác định hoạt động của mình là nhằm góp phần cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, phát huy dân chủ để người dân hiểu được quyền và trách nhiệm của người chủ đất nước mà tích cực góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.