Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà bị thu hồi vẫn tồn tại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị nhận được đơn phản ánh của người dân Tổ dân phố 105, phường Vĩnh Tuy (quận Hai Trưng, Hà Nội) về trường hợp tồn tại ngôi nhà "siêu mỏng" làm chậm tiến độ dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2, gây bức xúc đối với người tham gia giao thông và người dân khu vực. Đáng nói, chủ sở hữu ngôi nhà đã nhận đầy đủ tiền bồi thường, hỗ trợ trong quá trình GPMB nhưng vẫn không chịu bàn giao.

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị nhận được đơn phản ánh của người dân Tổ dân phố 105, phường Vĩnh Tuy (quận Hai Trưng, Hà Nội) về trường hợp tồn tại ngôi nhà "siêu mỏng" làm chậm tiến độ dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2, gây bức xúc đối với người tham gia giao thông và người dân khu vực. Đáng nói, chủ sở hữu ngôi nhà đã nhận đầy đủ tiền bồi thường, hỗ trợ trong quá trình GPMB nhưng vẫn không chịu bàn giao.
 Phần còn lại của nhà số 242, ngõ 34 Vĩnh Tuy vẫn chưa được phá dỡ. Ảnh: Lê Đạt
Phần còn lại của nhà số 242, ngõ 34 Vĩnh Tuy vẫn chưa được phá dỡ. Ảnh: Lê Đạt
Có mặt tại khu vực Tổ 105, chúng tôi nhận thấy, căn nhà số 242 (cao 2 tầng), ngõ 34 Vĩnh Tuy hiện đã bị phá dỡ gần hết, chỉ còn diện tích hơn 11m2. Ngôi nhà này thuộc quyền sở hữu của bà Kiều Thị Thanh, nằm trong diện GPMB của Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 (K5B). Vào đầu năm 2014, dự án được triển khai, toàn bộ nhà đất đang sử dụng của bà Thanh được thu hồi theo phương án được Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư quận Hai Bà Trưng phê duyệt. Cụ thể, thu hồi 21,94m2, trong đó 10.27m2 diện tích nằm trong chỉ giới GPMB và 11,67m2 ngoài chỉ giới (Sở dĩ thu hồi, bồi thường phần diện tích đất còn lại vì diện tích đất này nhỏ và không thể hợp khối do không có điểm tựa, phía trước là đường ngõ, phía sau là dự án K5B). 
 
Bà Thanh đã nhận toàn bộ số tiền đền bù từ dự án, tuy nhiên, đến nay, mới chỉ bàn giao diện tích đất trong chỉ giới GPMB của dự án K5B, phần còn lại gia đình bà Thanh cố tình không phá dỡ và giữ lại để sử dụng. Thực tế, gia đình bà Thanh đã tự ý xây dựng một bức tường, rộng 3,1m và cao khoảng 3m. Tháng 2/2014, người dân đã có đơn kiến nghị gửi đến chính quyền sở tại về hành vi vi phạm. UBND phường Vĩnh Tuy đã lập biên bản và ra quyết định đình chỉ công trình xây dựng, yêu cầu gia đình bà Thanh tự tháo dỡ…

Liên quan đến vụ việc trên, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có buổi làm việc với ông Trịnh Thế Đức - Phó Ban bồi thường GPMB quận Hai Bà Trưng. Ông Đức cho biết: "Dự án K5B đã thực hiện theo đúng quy trình và quy định của pháp luật. Nhà số 242 nằm trong diện GPMB, hộ gia đình bà Kiều Thị Thanh đã nhận đầy đủ tiền đền bù". Cũng theo ông Đức, diện tích đất 21,94m2 của gia đình bà Thanh thuộc diện thu hồi hết theo phương án phê duyệt của UBND quận Hai Bà Trưng, hộ bà Thanh nhận tiền nhưng chưa bàn giao toàn bộ. 

Khi phóng viên đặt câu hỏi: Theo Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) về việc hướng dẫn thi hành Điều 121 của Luật Xây dựng nêu rõ, nếu phần diện tích đất còn lại nhỏ hơn 15m2 có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m thì không được phép xây dựng. 

Trường hợp nhà bà Thanh (còn 11,67m2) vì sao không tiến hành cưỡng chế, phá dỡ? Về vấn đề này, ông Đức lý giải: "Diện tích đất của gia đình bà Thanh nhỏ hơn 15m2 nhưng chiều rộng và chiều sâu lại lớn hơn 3m nên khó xử lý. Bản thân bà Thanh cho rằng việc thu hồi số đất ngoài chỉ giới GPMB là chưa đúng nên đã làm đơn khiếu nại gửi UBND quận Hai Bà Trưng. Hiện, UBND quận đang tập hợp ý kiến, hồ sơ và báo cáo xin ý kiến của TP. Sau khi có ý kiến của TP, quận sẽ triển khai theo chỉ đạo". Ông Đức cũng đưa ra quan điểm, trường hợp nhà của gia đình bà Thanh về cuộc sống còn khó khăn nên có thể cho tồn tại vì theo quy định những trường hợp này có thể làm ki ốt để người dân có điều kiện kinh doanh ổn định đời sống.

Dư luận cho rằng, trong khi chủ trương của UBND TP Hà Nội kiên quyết xóa nhà "siêu mỏng, siêu méo", việc tồn tại ngôi nhà hơn 11m2 sẽ làm mất mỹ quan đô thị, gây ảnh hưởng giao thông khu vực. Đề nghị các cấp chính quyền quận Hai Bà Trưng sớm vào cuộc xử lý dứt điểm vụ việc, tránh gây bức xúc kéo dài đối với người dân khu vực.