Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà đầu tư chi 1,2 tỷ USD đặt mua cổ phiếu VPBank

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - VPBank đã tiếp xúc với 80 nhà đầu tư và hầu hết trong số họ đều đặt mua cổ phiếu VPBank, giá trị đạt kỷ lục 1,2 tỷ USD.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Đại diện Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) - nhà tư vấn cho VPBank lên sàn cho biết, ngay từ khi bắt đầu bước vào dự án, so sánh tất cả các chỉ số trên thị trường thì ước VPBank định giá tối thiểu 2 tỷ USD.

VCSC và VPBank đã tiếp xúc với 80 nhà đầu tư và hầu hết trong số họ đã tham gia đặt mua cổ phiếu VPBank. Khối lượng đặt mua gấp 4 lần số lượng chào bán, đạt kỷ lục 1,2 tỷ USD. Ngay cả trong lịch sử, các ngân hàng và thị trường chứng khoán ở Việt Nam cũng chưa có công ty nào đạt được điều này, kể cả giai đoạn nóng năm 2007.

Một chuyên gia ngân hàng cho biết với chiến lược bán lẻ của mình, VPBank đang có các chỉ số như ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu), ROA (tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân) hay NIM vượt trội, thậm chí gấp đôi so với mặt bằng chung ngành ngân hàng nên được nhà đầu tư đánh giá cao.

VCSC dự đoán trong 4 - 5 năm tới có thể có các ngân hàng sẽ đạt vốn hóa thị trường trên 10 tỷ USD, và VPBank là 1 trong số ít các ngân hàng tư nhân, có thể chỉ khoảng 2 - 3 ngân hàng đạt cạnh tranh với Vietcombank giá thị trường như vậy.

CEO của VPBank cho biết thêm, để các nhà đầu tư nước ngoài quyết định mua cổ phiếu VPBank thì song song với quá trình đàm phán, ngân hàng cũng thu xếp cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, làm việc với các thành viên Hội đồng quản trị, công việc cụ thể của bộ máy đang làm để họ thấy được người thực, việc thực và sự phát triển thực sự của ngân hàng.

Trước ngày lên sàn, VPBank có 78 nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 22% vốn VPBank còn lại là nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước, không có nhà đầu tư nào sở hữu quá 5% vốn điều lệ.

Từ ngày 17/8, mức giá tham chiếu trong ngày chào sàn của VPB được thông báo là 39.000 đồng một cổ phần. Sau niêm yết, giá trị vốn hoá của VPBank ước tính khoảng gần 52.000 tỷ đồng, thành nhà băng tư nhân có giá trị vốn hoá lớn nhất trên thị trường chứng khoán.

Trước đó, trong năm 2017 đã có 2 ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán UPCoM, gồm Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Kiên Long (KienLongBank). Sắp tới, thị trường sẽ chờ đón hai ngân hàng nữa là Techcombank và LienVietPostBank lên sàn chứng khoán.