Chứng khoán Mỹ lao dốc ngày thứ hai liên tiếp khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/12 sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy giá sản xuất trong tháng 11 tăng hơn dự báo, củng cố dự đoán Cục Dự trữ Liên bang (FED) đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chỉ số Nasdaq Composite dẫn đầu đà lao dốc trên sàn Phố Wall khi mất gần 200 điểm xuống còn 15,237.64 điểm trong phiên ngày 14/12. |
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Nasdaq Composite giảm mạnh nhất trên sàn Phố Wall khi mất 1,14% xuống còn 15,237.64 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 0,75%, về mức 4.634,09 điểm. Mặc dù giảm ít nhất trong 3 chỉ số, Dow Jones vẫn giảm 106,77 điểm, tương đương 0,3%, xuống còn 35.544,18 điểm.
Cổ phiếu công nghệ là nhóm giảm mạnh nhất phiên này, cho dù mức giảm của nhóm được thu hẹp trong phiên chiều. Microsoft là nhóm gây sức ép lớn nhất lên các chỉ số, khi giảm 3,2%. Cổ phiếu phần mềm Adobe lao dốc 6,6%.
Trong khi đó, cổ phiếu hãng xe Ford mất gần 1,9% sau khi có tin đối thủ Nhật Bản Toyota có kế hoạch chi 35 tỷ USD trong thời gian từ nay đến năm 2030 để đầu tư vào ô tô chạy điện, lĩnh vực mà hãng xe Mỹ đang nỗ lực để giành vị trí số một thế giới. Cổ phiếu Tesla giảm 0,8% sau khi báo cáo của hãng xe điện này lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) tiết lộ CEO Elon Musk vừa bán thêm số cổ phiếu trị giá 906,5 triệu USD.
Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn gồm Netflix, Apple và Amazon cũng ghi nhận sắc đỏ khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba.
“Các cổ phiếu vốn hóa lớn bắt đầu đi xuống, đúng như những gì đã xảy ra vào năm 2018 - lần gần đây nhất khi chúng tôi nghĩ về một sự điều chỉnh của những cổ phiếu này”, ông Mike Wilson – giám đốc đầu tư của Morgan Stanley nhận định.
Đà lao dốc của chứng khoán Mỹ diễn ra sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 11 tăng vọt 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao kỷ lục và cao hơn dự báo 9,2% từ các chuyên gia của Dow Jones. Chỉ số này cũng tăng 0,8% so với tháng trước, cao hơn mức dự báo 0,5%.
Số liệu lạm phát tăng nóng được đưa ra khi FED bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày vào ngày thứ Ba. FED sẽ đưa ra tuyên bố vào ngày 15/12 với các dự báo định kỳ hàng quý về nền kinh tế, lạm phát và lãi suất. Chủ tịch FED Jerome Powell cũng sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào ngày thứ Thư.
Giới đầu tư đang theo dõi xem liệu FED có đẩy nhanh tốc độ cắt giảm bơm tiền thông qua mua trái phiếu hay không. Theo kế hoạch hiện nay, FED sẽ dừng bơm tiền vào tháng 6/2022 nhưng một số quan chức ngân hàng T.Ư Mỹ đã đề cập đến khả năng kết thúc sớm hơn để đối phó với lạm phát.
Theo cuộc khảo sát mới nhất của CNBC, các nhà đầu tư tổ chức và chuyên gia kinh tế ở Phố Wall dự báo đến tháng 3/2022, FED sẽ kết thúc chương trình mua tài sản và đến tháng 6 sẽ bắt đầu tăng lãi suất trở lại.
Chiến lược gia Chris Senyek của Wolfe Research cho rằng FED sẽ phải thận trọng để tránh khiến thị trường hoang mang.
Ở chiều tích cực, cổ phiếu ngân hàng giao dịch khởi sắc trong phiên này, trong đó hai ngân hàng lớn Goldman Sachs và Bank of America đều tăng hơn 1% mỗi cổ phiếu. Cổ phiếu các ngân hàng khu vực cũng tăng mạnh. Liên quan đến đại dịch, hãng dược phẩm Mỹ Pfizer cho biết thuốc đặc trị Covid-19 của hãng đã chứng minh được hiệu quả trong một phân tích cuối cùng, bao gồm cả điều trị những ca nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng thế giới không nên chủ quan vì Omicron dường như lây lan nhanh hơn so với các biến chủng đã được phát hiện trước đó.
Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp của chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, cả Dow Jones và S&P 500 hiện chỉ thấp hơn khoảng 3% so với mức kỷ lục nội phiên. Chỉ số Nasdaq Composite hiện thấp hơn khoảng 6% so với đỉnh lịch sử./.