Nhà hát Lớn Hà Nội lo tiếp thị cho kịch

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 11 vở kịch được đánh giá là "Những vở kịch còn mãi với thời gian" sẽ chính thức đỏ đèn tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ ngày 5 - 20/8.

Thông tin cũng được Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội phối hợp với các nhà hát đưa ra tại buổi họp báo sáng 31/7.
Tiêu chí nào để còn mãi với thời gian?
Mới nghe tên chủ đề của chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 8/2017, công chúng ngỡ sẽ gặp “Nàng Sita” của Nhà hát Chèo Hà Nội, “Nữ ký giả” của Nhà hát Kịch Quân đội hay “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Nhà hát Kịch Việt Nam… Nhưng kịch mục mà Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội giới thiệu lại không phải là những vở diễn này mà là: “Vòng phấn Kavkaz”, “Ai là thủ phạm”, “Công lý không ngục gã” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Cát bụi”, “Điện thoại di động”, “Bỉ vỏ” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Kiều”, “Lão hà tiện”, “Bão của hoàng hôn” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Quyết đấu giữa sương mù”, “Dưới cát là nước” (Đoàn Kịch nói Công an Nhân dân).

Vở “Kiều” của Nhà hát Kịch Việt Nam từng được coi là vở diễn ăn khách khi diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

11 vở kịch được giới thiệu lần này, vở dàn dựng lâu nhất là “Cát bụi” được NSND Xuân Huyền dàn dựng năm 2004, còn có những vở kịch mới dàn dựng năm 2016 hoặc đầu năm 2017. Chính vì vậy, nhiều người thắc mắc Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD), Ban Quản lý Nhà hát Lớn lấy tiêu chí gì để đánh giá đây là vở diễn "còn mãi với thời gian". NSND Thu Hà – diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội cũng cho rằng, nên gọi đây là những vở kịch chất lượng cao thì đúng hơn. Bởi khi đã là Những vở kịch còn mãi với thời gian thì rất cần thời gian thẩm thấu. Phó Cục trưởng Cục NTBD Đào Đăng Hoàn cũng thừa nhận chủ đề: “Còn mãi với thời gian” giống chủ đề của nhiều chương trình ca nhạc. “Bước đầu lựa chọn một số vở mới nhưng có chất lượng tốt và được công chúng đón nhận. Sau các vở diễn này, có thể Bộ VHTT&DL sẽ đặt hàng các nhà hát khôi phục lại những vở diễn thật sự đã trở thành kinh điển, đã sống cùng năm tháng, mang lại tên tuổi, danh hiệu của từng đơn vị. Chương trình “Những vở kịch còn mãi với thời gian” chắc chắn sẽ còn được nối dài”.
Doanh thu vẫn là ẩn số
Hơn một năm, Bộ VHTT&DL thực hiện chủ trương đưa chương trình nghệ thuật chất lượng cao vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội mỗi dịp cuối tuần. Những người làm nghệ thuật ủng hộ chủ trương này của Bộ vì đưa Nhà hát Lớn trở thành một thánh đường đúng nghĩa. Thế nhưng, rõ ràng các vở diễn chưa hút khách, có không ít lời bàn ra tán vào về doanh thu cũng như cách thức để lấp đầy khán giả trong mỗi đêm diễn. Bộ VHTT&DL không chỉ còn lo chỉ đạo các nhà hát chuẩn bị phần nội dung mà còn phải vận động các mối quan hệ mua vé ủng hộ nghệ sĩ, ủng hộ nhà hát. Điều này đã được ông Nguyễn Thái Bình – Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ VHTT&DL thừa nhận trong cuộc họp báo quý II/2017. Cũng bởi, giá vé ở các nhà hát chỉ khoảng 200.000 – 300.000  đồng/vé đã không dễ bán, mà giá vé cho các vở kịch ở Nhà hát Lớn rẻ nhất cũng 500.000 - 700.000 đồng, thậm chí 1 triệu đồng, nên nhiều nhà hát phải vận dụng quan hệ để bán vé.
Bà Nguyễn Minh Nguyệt – Giám đốc Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội thừa nhận: “Năm 2016, các chương trình có sự hỗ trợ của các DN nên doanh thu của các đêm diễn đủ bù đắp chi phí. Năm 2017, DN giảm dần hỗ trợ nên Ban Quản lý đã tăng cường truyền thông trên website của đơn vị, số lượng khách mua vé lẻ vì thế cũng tăng”. Không cụ thể số lượng doanh thu là bao nhiêu, bà Nguyệt chỉ cho biết Nhà hát thuộc Bộ được hỗ trợ tiền rạp (còn lại khoảng 30 triệu đồng/buổi diễn, thực tế thuê sẽ gần gấp đôi), các nhà hát còn lại không mất chi phí. Tuy nhiên, không thể kéo dài thời gian hỗ trợ, chính vì vậy, Ban Quản lý Nhà hát Lớn kỳ vọng vở diễn được quảng bá tốt, thu hút nhiều khán giả hơn. Và cuộc họp sáng 31/7 được coi như là bước chuyển từ khép kín sang mở cửa, chủ động chia sẻ thông tin với truyền thông của Ban Quản lý Nhà hát Lớn với hy vọng công chúng sẽ được tiếp cận kịch mục, theo đánh giá của nhiều nghệ sĩ dù chưa được coi là còn mãi với thời gian thì cũng giúp họ thăng hoa.