Nhà mạng có sẵn lòng? Thời gian gần đây, câu chuyện OTT phát triển mạnh làm ảnh hưởng tới doanh thu thoại của các nhà mạng và vấn đề quản lý ra sao đối với loại hình dịch vụ này được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, tại buổi Tọa đàm Dịch vụ OTT ở Việt Nam và chính sách quản lý do Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) và báo Bưu điện tổ chức mới đây, với tư cách là đại diện DN cung cấp dịch vụ OTT, ông Vương Quang Khải - Phó Tổng Giám đốc Công ty VNG (dịch vụ Zalo) lại cho rằng, thực ra OTT làm tăng nhu cầu sử dụng 3G, qua đó giúp nhà mạng có thêm doanh thu từ cước data. Phía Zalo, Line và các OTT khác đã đề xuất hợp tác với nhà mạng xây dựng thương hiệu một dịch vụ OTT riêng nhằm khai thác lợi thế hai bên, trong đó các nhà mạng có lợi thế hạ tầng và dữ liệu khách hàng, còn các OTT có năng lực sáng tạo vô cùng. Trước đề nghị này, các nhà mạng cho biết, đến thời điểm này họ không còn coi OTT là nguy cơ, mà coi đây là cơ hội để làm mới mình và đã chuyển sang đặt vấn đề hợp tác kinh doanh dịch vụ trên cơ sở tính cước data. Dù bị sụt giảm doanh thu do sự xuất hiện của OTT, nhà mạng khẳng định, chưa bao giờ đơn phương hoặc dùng các biện pháp kỹ thuật chặn OTT. Các OTT Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng lại ở dịch vụ thoại và tin nhắn, theo ông Hùng, về lâu dài loại dịch vụ này sẽ bão hòa, dịch vụ phi thoại mới là mục tiêu để các OTT nên hướng tới. Quản OTT thế nào? Theo ông Vương Quang Khải, các OTT hiện đang "sống trong sợ hãi" vì những tin đồn dọa bị đóng cửa, chưa kể phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các OTT nước ngoài, nếu có cơ chế quản lý rõ ràng thì họ sẽ yên tâm hoạt động. Chia sẻ quan điểm này, ông Jan Wassenius - Phụ trách khu vực Đông Dương của Công ty Ericsson gợi ý, Việt Nam có thể tham khảo mô hình quản lý OTT của một số nước như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc để có hành lang pháp lý trong lĩnh vực này. Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Lê Thị Ngọc Mơ nêu quan điểm: OTT là loại hình dịch vụ mới, do đó, quan điểm của Cục là để thị trường tự điều chỉnh và sẽ có những công cụ quản lý thích hợp tùy theo sự phát triển của thị trường dịch vụ này. Trước mắt, Cục Viễn thông khuyến khích các DN viễn thông và OTT ngồi lại với nhau hợp tác kinh doanh các dịch vụ thoại và phi thoại, qua đó đem lại được lợi ích tối đa cho người tiêu dùng và giúp thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, bền vững. Trước các ý kiến, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, tới đây, các dịch vụ thoại của DN OTT sẽ coi như dịch vụ viễn thông và quản lý bằng chính sách viễn thông. Việt Nam đang đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có 1 chương về Thương mại điện tử. Theo đó, sẽ không có bất kỳ loại thuế nào cho bất kỳ sản phẩm, hàng hóa nào giao dịch trên mạng. Do đó, chúng ta bắt buộc phải chấp nhận, phải tìm cách biến thách thức thành cơ hội. Cơ quan quản lý không buông, nhưng bước đi phải có lộ trình. Hiện, Bộ TT&TT đang tham khảo cách làm của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Các nước này có 3 chính sách đảm bảo quyền lợi 3 bên, đó là: Nhà mạng tính phụ phí khi người dùng sử dụng dịch vụ OTT; nhà mạng phát triển riêng dịch vụ OTT; hoặc hợp tác với DN OTT để đưa ra gói cước phù hợp. Đây được xem là những cách tốt nhất để đôi bên hài lòng, nhà mạng có doanh thu mà các DN OTT vẫn "sống khỏe".
OTT hiện đã qua 2 thế hệ phát triển: Thế hệ đầu với các dịch vụ: Skype, Yahoo hay facebook xuất phát từ PC (máy tính cá nhân) và nay chuyển mạnh sang các dịch vụ ứng dụng trên di động như: Viber, Line, Zalo, Kakao talk phát triển từ cuối 2012 trở lại đây. Hiện có thể phân loại OTT thành 5 nhóm khác nhau: Tiện ích (Google; Yahoo); Mạng xã hội (facebook; Twitter); Giải trí (Youtube); Viễn thông cơ bản (Kakaotalk, Line, Viber) và dạng dịch vụ phi thoại data. |