Nhà ống - ẩn họa cháy, nổ khôn lường

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, tình hình cháy, nổ diễn ra ngày càng phức tạp, số vụ cháy liên quan đến công trình có dạng nhà ống gia tăng về số lượng lẫn thiệt hại.

Thế nhưng, trong khi công tác quản lý, xử lý vi phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC) còn nhiều bất cập thì ý thức người dân về an toàn cháy, nổ vẫn trong tình trạng báo động.
Những cái chết thương tâm

Vào khoảng 3 giờ ngày 26/9, một vụ cháy lớn xảy ra tại địa chỉ số 4 ngõ 897 đường Giải Phóng, Hà Nội. Hiện trường vụ cháy là ngôi nhà ống 2 tầng, 1 tum, có diện tích khoảng 50m2, hiện đang sử dụng cho thuê. Do căn nhà được thuê làm nhà kho, chứa nhiều hàng hóa nên đám cháy nhanh chóng lan ra và thiêu rụi cả 2 tầng nhà. Sau hơn 2 giờ đồng hồ, đám cháy mới được dập tắt.

Hiện trường vụ cháy nhà tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ khiến 2 cháu bé tử vong. Ảnh: Đạt Lê

Trước đó, khoảng 1 giờ sáng 25/9, một vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại nhà tầng kinh doanh lốp, sửa chữa ô tô ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ do ông Trần Văn Nam làm chủ. Thời điểm cháy, lửa bùng phát từ tầng 1 ngôi nhà, sau đó bao trùm toàn bộ cửa chính rồi bốc lên các tầng. Phòng Cảnh sát PCCC số 9 cho biết, hiện trường là ngôi nhà 5 tầng rộng khoảng 70m2, toàn bộ tầng 1 dùng để chứa lốp ô tô và các loại hóa chất dễ cháy nên ngọn lửa đã bùng phát lớn, tạo khói đen dày đặc gây khó khăn cho việc cứu nạn, chữa cháy. Cảnh sát PCCC huy động 7 xe chữa cháy phun nước liên tục gần một tiếng đồng hồ mới khống chế được ngọn lửa. Lực lượng chức năng cùng người dân đã cứu thoát 5 người, tuy nhiên có 2 cháu gái ngủ ở tầng 4 (là con của chủ nhà) thiệt mạng do ngạt khói.

Ngày 19/7, vụ cháy xảy ra tại ngôi nhà 4 tầng ở số 48, ngõ 41 (phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) để lại hậu quả thương tâm khiến 2 người chết. Phòng Cảnh sát PCCC số 1 cho biết, tầng 1 của ngôi nhà kinh doanh tạp hóa, tầng 2, 3 chứa hàng hóa với lượng lớn giấy tờ, nhựa, nilon là những vật liệu dễ cháy, tỏa nhiệt cao và phát sinh nhiều khói, khí độc... Nhiều người đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến vụ hỏa hoạn xảy ra ngày 13/7 tại ngõ 205/53 đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm khiến 4 người chết. Rồi vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng khác xảy ra ngày 29/7 tại xưởng bánh kẹo ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức đã làm 8 người chết…

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Khảo sát của phóng viên cho thấy, hiện nay ở một số quận, huyện như: Hà Đông, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoài Đức… tập trung khá nhiều các khu nhà ở kết hợp với xưởng sản xuất, nhà kho có diện tích từ vài trăm đến hàng nghìn mét vuông. Điều đáng nói, những nhà ở kiêm xưởng sản xuất mọc lên san sát, trên đất dự án hoặc đất trống xen lẫn khu dân cư làm nơi lưu giữ, trung chuyển hàng hóa… luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ bất cứ lúc nào. Ghi nhận trên tuyến đường Đê La Thành, đoạn từ ngã tư Ô Chợ Dừa đến ngã tư Cầu Giấy, xưởng mộc, xưởng sơn gò hàn, các hộ sản xuất và kinh doanh nhỏ lẻ về khung nhôm kính, cửa sắt với mật độ dày đặc. Cùng với đó, các cửa hàng trưng bày và kinh doanh các sản phẩm đồ gỗ, xen kẽ là nhiều vật liệu dễ cháy nổ.
 Lực lượng cảnh sát PCCC Hà Nội tham gia dập lửa trong vụ cháy căn nhà trên phố Bát Đàn, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng
Khảo sát tại làng nghề sản xuất bánh kẹo xã La Phù (huyện Hoài Đức), những nhà xưởng, kho bãi kiêm nhà ở mọc lên san sát. Hoạt động mua bán tại đây luôn nhộn nhịp. Ngoài ra, trong các ngõ, nhà xưởng, nhà kho được làm theo kiểu nhà ống, dựng bằng khung thép, mái tôn, bao bọc xung quanh. Bên trong chứa hàng hóa đủ loại, nhưng đều là những vật liệu dễ cháy như giấy, bìa các tông, nhựa, cao su… Thế nhưng, tìm hiểu được biết, phần lớn các xưởng, nhà kho ở đây đều không có hệ thống báo cháy và đảm bảo an toàn về PCCC. Ông Nguyễn Hữu Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã La Phù cho biết: Hiện nay, dọc tuyến đường chính vào làng có khoảng hơn 100 hộ vừa ở vừa kinh doanh. Thời gian qua, UBND xã đã tập trung rà soát, kiểm tra công tác phòng chống cháy, nổ tại các hộ kinh doanh, nhà xưởng. “Xã đã giao cho Công an xã lập sơ đồ, phối hợp với đơn vị chức năng (Phòng Cảnh sát PCCC số 13) kiểm tra về công tác PCCC trên địa bàn. Theo ông Khoa, về cơ bản, hộ kinh doanh, các xưởng, kho chứa đồ, bánh kẹo trên địa bàn đều chấp hành. Các cơ sở không đáp ứng, vi phạm đều bị lập biên bản. Tuy nhiên, trong quá trình đôn đốc, kiểm tra PCCC tại các đơn vị, cơ quan chức năng cũng gặp phải một số vướng mắc. Cụ thể, theo luật, khi đoàn công tác xuống cơ sở kiểm tra thì phải gửi công văn trước 3 ngày. Do vậy, những cơ sở muốn đối phó có thời gian để khắc phục, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

Theo Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội Hoàng Quốc Định: Chuyển biến trong nhận thức của người đứng đầu, người dân về công tác tự phòng ngừa vẫn chưa cao, còn lơ là, chủ quan, chưa chấp hành đầy đủ các quy định về PCCC. Việc đầu tư cho hệ thống PCCC tại chỗ còn mang tính chất đối phó, vẫn còn nhiều vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm nhiều lần, chậm trễ khắc phục kiến nghị của cơ quan Cảnh sát PCCC.

Giải pháp nào cho an toàn cháy nổ?

Liên quan đến tình hình cháy nổ xảy ra tại nhà ở (nhà ống), Đại tá Trần Văn Vụ - Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát PCCC Hà Nội) cho biết: Hiện nay, các gia đình kết hợp nhà ở và kinh doanh hoặc các chủ cơ sở kho xưởng vẫn chưa nhận thức sâu sắc việc cháy, nổ nên còn cẩu thả trong việc trang bị các thiết bị PCCC. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những vụ hỏa hoạn khôn lường.

Các công trình có dạng nhà ống thường có diện tích không lớn nên khi thiết kế, xây dựng ngôi nhà thường không có lối ra thoát nạn an toàn, chỉ có duy nhất 1 cầu thang bộ bên trong nhà để hở nhưng cũng không đảm bảo chiều rộng hay thoát khói.

TS Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng khoa Chữa cháy (Đại học PCCC) cho biết: Đối với loại hình nhà ống do nhu cầu ở và nhằm chống trộm nên những ngôi nhà này chỉ có một cửa thoát hiểm nhưng người dân thường làm hai lớp cửa (cửa cuốn ngoài và cửa gỗ, sắt bên trong). Khi xây dựng, phía trên người dân cần phải có phương án thoát hiểm như tạo ban công trống để có thể dùng thang dây tuột xuống đất hoặc sân thượng phải có lối chạy sang nhà bên khi có hỏa hoạn. Các chủ nhà phải trao đổi với nhau để thỏa thuận lối thoát nạn qua nhà bên cạnh. Ngoài ra, người dân, chủ cơ sở cần cần trang bị mặt nạ chống khói, các loại thang dây, thang móc để thoát từ tầng trên xuống tầng dưới. Cùng với đó, trong nhà cũng nên có búa, kìm cộng lực để phá tường, cắt khung sắt tạo lối thoát hiểm khi xảy ra cháy. Đối với nhà ở mặt phố kết hợp kinh doanh cần trang bị gắn hệ thống báo cháy tự động...

Theo Thượng úy Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 3 (Cảnh sát PCCC TP Hà Nội), khi xảy ra hỏa hoạn người dân phải bình tĩnh bịt mũi thoát khỏi đám cháy theo cách khom thấp người nhất có thể. Trong trường hợp không thể thoát khỏi đám cháy thì nhanh chóng vào phòng gần nhất đóng kín cửa lại, đồng thời bịt các khe cửa không để khói lọt vào phòng. Đặc biệt, nhanh chóng gọi lực lượng cứu hỏa theo số 114 để lực lượng cứu nạn tiếp cận nhanh nhất. 

TP Hà Nội hiện có khoảng gần 500.000 nhà ống, trong đó có trên 120.000 nhà kết hợp kinh doanh dịch vụ, mặt tiền thường bị bịt kín, thiếu lối thoát nạn... Đây là những loại hình khi xảy ra cháy, nổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Qua thống kê, số vụ cháy hàng năm cũng như hậu quả thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra vẫn có dấu hiệu gia tăng (trung bình từ 600 - 800 vụ/năm).

Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội Hoàng Quốc Định