Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà văn Gianrico Carofiglio: Tôi tự hào vì cuốn sách được dịch ra tiếng Việt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 15/10, nhà văn Italia - Gianrico Carofiglio đã có chuyến thăm Việt Nam nhân dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn sách “Quá khứ là miền đất lạ” của ông. Phóng viên báo Kinh tế và Đô thị đã có buổi trò chuyện với vị Công tố viên có tài viết truyện trinh thám này.

Nhà văn Gianrico Carofiglio: Tôi tự hào vì cuốn sách được dịch ra tiếng Việt - Ảnh 1

Nhà văn Gianrico Carofiglio.

Được biết, “Quá khứ là miền đất lạ” đã được dịch ra 24 thứ tiếng khác nhau. Vậy cảm xúc của ông khi biết cuốn sách của mình được dịch sang tiếng Việt như thế nào? Lần đầu tới Việt Nam, ông có nhận xét gì,  thưa ông?

Cảm xúc trong tôi rất “lạ và đẹp” khi được tới Việt Nam lần đầu tiên, một đất nước cách xa nước Italia, vào những ngày mùa thu tuyệt đẹp này. Khi biết cuốn sách được dịch sang tiếng Việt, tôi rất vui và coi đây là một niềm hãnh diện, tự hào. Bởi đối với tôi, khi tác phẩm của mình được lan tỏa tới tận đất nước xa xôi này thì đó quả là một niềm hạnh phúc, tự hào lớn.

Lý do gì đã khiến ông cầm bút viết?

Cảm xúc với văn học đã khiến tôi cầm bút viết. Tôi đã muốn viết ngay từ khi biết đọc, bởi khi đọc, tôi có mong muốn mô tả lại thế giới mà mình vẫn hình dung, tưởng tượng lên trang giấy.

Tuy có ý định viết từ rất sớm, nhưng phải đến năm 38 tuổi khi cảm xúc đã chín muồi, tôi mới chính thức cầm bút viết. Từ đó đến nay, tôi vẫn hoạt động đồng thời cả trong văn chương và chính trị. Hiện tôi là Thượng nghị sĩ của Cộng hòa Italia.

Thưa ông, công việc của một công tố viên có phải rất hữu ích khi ông viết truyện trinh thám?

Công việc công tố viên cũng có ít nhiều ảnh hưởng đến các sáng tác của tôi. Bởi khi đảm nhận nhiều cương vị trong xã hội, người ta sẽ biết được nhiều câu chuyện, ở nhiều góc độ khác nhau. Đó sẽ là những tư liệu thực tiễn quý báu cho người viết, giúp họ từ đó rút ra được câu chuyện của riêng mình, theo cảm nhận của riêng mình.

Tôi thường viết các chương ngắn, câu ngắn. Tôi luôn muốn người đọc bị cuốn hút vào câu chuyện của mình và để làm được như thế thì một cách hành văn súc tích, như vậy sẽ phù hợp hơn.

Nhà văn Gianrico Carofiglio: Tôi tự hào vì cuốn sách được dịch ra tiếng Việt - Ảnh 2

Tác giả ký tặng tác phẩm cho độc giả.

Đặc thù truyện trinh thám ở mỗi quốc gia là khác nhau. Vậy, kết cấu truyện truyện trinh thám Italia có gì khác so với truyện trinh thám Anh, Mỹ, Đức, Việt Nam… thưa ông?

Truyện trinh thám của Italia chú trọng rất nhiều vào nhân vật chứ không chỉ về nội dung câu chuyện. Tức là đi sâu vào diễn biến tâm lý nhân vật và mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau. Truyện trinh thám của Italia hiện nay là một công cụ văn học rất hiệu quả trong việc kể những âm mưu, sự đối lập trong cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống nơi thị thành. Ở trong “Quá khứ là miền đất lạ” tôi rất thích việc người đọc có thể gắn bó thân thiện với các nhân vật của tôi.

Nữ nhà văn Di Li (Việt Nam) có nhận xét: “Cách ông viết truyện khác với mô – típ thông thường. Tức là, bình thường, nhà văn sẽ cố giấu thủ phạm đến cuối cùng để người đọc hồi hộp, nhưng ông lại để bạn đọc biết thủ phạm ngay từ đầu. Tuy nhiên, người đọc lại bị lôi cuốn bởi những diễn biến tâm trạng của nhân vật”. Theo ông, đó có phải yếu tố làm nên thành công của tác phẩm?

Tôi không dám chắc chắn, nhưng có thể đó là một lý do chính đáng.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hạnh thực hiện