KTĐT - Chiều 19-10, các ngư dân sống dọc theo bãi biển Sơn Trà- Điện Ngọc (thuộc quận Sơn Trà, Đà Nẵng), bắt đầu khẩn trương đưa tàu thuyền lên bờ để trú bão Megi.
Do ảnh hưởng của mưa lớn mấy ngày qua, cộng với việc trước đó mưa lũ đã làm hàng chục ngàn người dân đang sống trong đói, khát, tăm tối tiếp tục chờ đón lũ, bão mới.
Đà Nẵng: Lên phương án di dời trên 30.000 hộ dân ven biển
Chiều 19-10, các ngư dân sống dọc theo bãi biển Sơn Trà- Điện Ngọc (thuộc quận Sơn Trà, Đà Nẵng), bắt đầu khẩn trương đưa tàu thuyền lên bờ để trú bão Megi.
Người dân Đà Nẵng cũng tiến hành mua bao cát, dây thép về chèn chống nhà cửa để chống bão.
TP Đà Nẵng đã chuẩn bị phương án di dời 31.000 hộ dân ven biển. Hiện Đà Nẵng còn 37 tàu đang hoạt động trên biển, nhưng gần bờ và giữ liên lạc thường xuyên với Bộ đội biên phòng Đà Nẵng.
UBND thành phố đã chỉ đạo Công ty Cổ phần lương thực Đà Nẵng chuẩn bị dự trữ 500 tấn gạo và lương thực.
Ngoài ra, UBND TP đã giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự Quân khu 5 sẵn sàng điều hai xe thiết giáp để phục vụ công tác khi có yêu cầu.
Ông Trần Văn Long, GĐ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực II (Danang MRCC), cho biết hiện 2 tàu SAR túc trực ở vùng biển Đà Nẵng, một tàu SAR túc trực ở vùng biển Quy Nhơn để chuẩn bị cho công tác ứng cứu nếu bão đổ bộ vào miền Trung.
Do ảnh hưởng mưa lớn liên tục trong 3 ngày vừa qua, tại đường đèo Nam Hải Vân- Đà Nẵng đã xuất hiện một số điểm sạt lở, đá rơi và cây đổ.
Tại đoạn km 910+600, hàng chục m3 đất đá đã sạt lở, chiếm dụng một nửa lòng đường, trong đó đa phần là đá...
Còn tại khoảng km 905, gần đỉnh đèo, do sạt lở, nhiều cây rừng đã bật gốc và trượt từ trên vách núi xuống chắn ngang đường.
Quảng Nam: 1 người mất tích do nước cuốn trôi
Chiều ngày 19-10, tin từ UBND huyện Nam Giang (Quảng Nam) cho biết, chính quyền địa phương và người dân đang nỗ lực huy động lực lượng tìm kiếm ông Hiên Bíp (SN 1965, trú huyện Nam Giang) bị mất tích do lũ.
Trước đó, vào lúc 19 giờ ngày 18-10, khi ông Bíp đi qua đoạn sông Chà Cóp, thuộc địa phận thôn 56B (xã Đắc P’ree, huyện Nam Giang) để về nhà thì lũ từ trên đầu nguồn đột ngột đổ về, khiến ông bị nước cuốn trôi.
Cùng ngày, tin từ UBND huyện Tây Giang, Quảng Nam cho biết do mấy ngày vừa qua mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều đoạn đường từ trung tâm huyện đi các xã biên giới Axan, Tr’hy, Gary và Ch’Ơm bị sạt lở nặng, khiến nhiều đoạn bị cô lập.
Đặc biệt, do ảnh hưởng mưa lớn từ thượng nguồn, đã khiến nhiều đoạn đường đi lên các huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam sạt lở nặng, ách tắc cục bộ.
Đến ngày 19-10, tuyến Quốc lộ ĐT604 (thuộc đoạn Dốc Kiền, huyện Đông Giang, Quảng Nam) thuộc điểm giáp ranh giữa xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) với xã Ba (huyện Đông Giang, Quảng Nam) đã sạt lở nặng lên đến hơn 300 m. Hiện, vẫn còn hàng nghìn khối đất đá có nguy cơ tiếp tục sạt lở, đổ xuống đe dọa đến tính mạng của người đi đường.
Quảng Ngãi: 2 tàu cùng 19 ngư dân gặp nạn trên biển
Ngày 19-10, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết, tỉnh có 2 tàu gặp nạn trên biển.
Vào khoảng 4 giờ sáng ngày 18-10, tàu Hòa Hải-01 QNg 0106-VT của ông Nguyễn Ngọc Sính (ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi), hành nghề khai thác sắt ở vùng biển quần đảo Trường Sa thì tàu bị phá nước, trên thuyền có 16 lao động. Sau đó, tàu được sửa chữa kịp thời nên không bị nguy hiểm đến tính mạng và tài sản.
Trước đó, tàu QNg 94280 (100 CV), của ông Phạm Sơn (ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) hành nghề lưới kéo ở vùng biển Đà Nẵng - Quảng Trị, trên tàu có 3 lao động, bị chìm do sóng đánh. Rất may, 3 lao động này đã được các tàu gần đó phát hiện cứu vớt an toàn.
Hiện Quảng Ngãi vẫn còn 411 tàu thuyền với khoảng 4.000 lao động vẫn còn trên biển, chủ yếu là trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, đáng lo nhất là 12 tàu thuyền/174 lao động trên quần đảo Hoàng Sa vẫn chưa vào bờ và tìm nơi trú ẩn an toàn. Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi đã tìm mọi biện pháp để thông tin cho các tàu này, tuy nhiên có một số chiếc vẫn chưa liên lạc được.
Cùng với việc kêu gọi các tàu thuyền vào bờ và tìm nơi trú an toàn, Quảng Ngãi đã nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi vào thời điểm này. Tuy nhiên, điều đáng lo là có một số tàu, thuyền khi hành nghề trên biển, bộ đội biên phòng tỉnh liên lạc được và yêu cầu vào bờ và tìm nơi trú ẩn, nhưng các tàu này vẫn chưa chấp hành.
Quảng Bình: Nhiều tuyến giao thông vẫn còn bị ách tắc
Đến chiều tối ngày 19-10, lũ trên các con sông và các vùng ngập lụt tại các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa...đang xuống chậm. Nhiều tuyến đường giao thông lũ vẫn còn chia cắt.
Đường Quốc lộ 12A nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Đoạn đi qua địa phận huyện Tuyên Hóa gần như bị sạt lở, hơn nửa mặt đường xuống vực sâu.
Đường Hồ Chí Minh cũng bị sạt lở nhiều chỗ với số lượng hàng nghìn mét khối đất đá. Tuyến đường độc đạo vào các bản đồng bào Rục, Sách (xã Thượng Hóa- Minh Hóa) như bản Ón, bản Mò O, Ồ Ồ, Yên Hợp bị nước lũ dâng cao và chảy xiết.
Đoạn đường đi qua thung lũng Trâu bị ngập sâu khoảng 10 m. Ngày 19-10, bộ đội biên phòng vận chuyển một ca nô đưa vào tuyến đường này để khắc phục tắc đường.
Tin từ UBND xã Quảng Xuân (Quảng Trạch) cho biết, tàu đánh cá mang số hiệu QB 93089TS do ông Nguyễn Văn Tuệ (trú tại Quảng Xuân- Quảng Trạch) trên đường vào cách bờ khoảng 2 hải lý thì bị sóng đánh chìm. Lực lượng cứu hộ phối hợp cùng Bộ đội biên phòng đã cứu, đưa vào bờ an toàn 9 thuyền viên trên tàu.
Thông tin từ Ban PCLB-TKCN Quảng Bình cho biết đến cuối ngày 19-10, toàn tỉnh có 8 người chết và 30 người bị thương.
Nghệ An: Nhiều hộ không có cả mì gói để ăn
Cho đến chiều tối ngày 19-10, mực nước trên các sông tại Nghệ An đang tiếp tục dâng cao. Dù mưa đã tạnh nhưng số hộ dân bị ngập úng đang tăng lên khá nhanh.
Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Nghệ An thì đã có 120 xã thuộc 9 huyện thị (Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, TP Vinh và TX Cửa Lò) đã bị ngập từ 0,8 đến 1 m. Trong đó có 35 xã thuộc các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên và Nghi Lộc đã bị cô lập hoàn toàn.
Tỉnh Nghệ An đã điều động trên 5.200 cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng biên phòng, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và các huyện trực tiếp tham gia di dời được 11.911 hộ dân (54.716 nhân khẩu) ra khỏi các vùng nguy hiểm.
Do nước lũ đổ về khá nhanh nên ngoài diện tích lúa mùa, hoa màu vụ đông bị ngập úng, đã có 4.773 ha nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại. Nhiều tuyến đường bị ngập sâu từ 0,8 đến 1,2 m. Tuyến Quốc lộ 46 bị ngập sâu 0,8 m tại địa phận xã Nam Giang (dài khoảng 2 km).
Do tuyến QL1A đoạn từ Nghệ An vào Hà Tĩnh nhiều đoạn đang ngập sâu trong nước nên hàng trăm xe tải Bắc – Nam đã buộc phải nằm lại trên tuyến đường tránh Vinh, gây ách tắc gần 3 km.
Hiện đã có 17 người chết (Nghi Lộc 5 người, Nam Đàn 3 người, Thanh Chương 2 người, Diễn Châu 2 người; các huyện Hưng Nguyên, Diễn Châu, Kỳ Sơn, TX Cửa lò, Đô Lương mỗi huyện có 1 người chết).... Tổng thiệt hại có thể lên đến 1.507 tỷ đồng.
Tại vùng rốn lũ thuộc xã Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên, nơi bị nước lũ chia cắt đã 4 ngày nay, ông Nguyễn Văn Thanh (60 tuổi, trú tại xóm 2, xã Hưng Lĩnh) cho biết: “Mấy ngày qua có chi ăn mô. Mấy cháu nhỏ đành phải ăn khoai lát (khô) trừ bữa...”
Ông Nguyễn Sỹ Hội, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An cho biết: Chiều 18-10, Tỉnh đội Nghệ An đã được Bộ Quốc phòng hỗ trợ 2 tấn lương khô để cấp phát cho các xã vùng ngập lụt sâu của các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên và Nghi Lộc. Bộ Quốc phòng cũng đã điều chuyển từ Thanh Hóa vào Nghệ An 14 xuồng máy.
Nghệ An đang đề nghị trung ương hỗ trợ 100 tỷ đồng, cấp 5.000 tấn gạo; 200 tấn ngô giống, 10 tấn hạt rau các loại, 100 cơ số thuốc, 6 tấn Ben cozit, 20 chiếc xuồng cứu nạn, 10.000 m2 vải bạt 6.000 m2 vải lọc, 5.000 áo phao, 5 phao bè và 1.000 cái phao tròn. |