Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhận diện 3 rủi ro trong phát triển ngành gỗ dán sau dịch Covid-19

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/7, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Tổ chức Forest Trends phối hợp tổ chức hội thảo “Thúc đẩy giao thương gỗ dán và MDF Việt Nam: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.

Theo số liệu từ Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, tổng nhu cầu của mặt hàng gỗ dán trên toàn cầu vào năm 2018 đạt khoảng 160 triệu m3, tương đương giá trị kim ngạch 72,7 tỷ USD. Mỹ là một thị trường lớn trong việc tiêu thụ gỗ dán và là quốc gia nhập khẩu gỗ dán lớn nhất thế giới. Năm 2019, Mỹ nhập 4,67 triệu m3, tương đương 2,72 tỷ USD.
 Việt Nam xuất khẩu gần 0,8 tỷ USD gỗ dán trong năm 2019. Ảnh minh hoạ.
Trung Quốc là nhà cung cấp gỗ dán lớn nhất toàn cầu. Năm 2019, Trung Quốc xuất khẩu gỗ dán đạt 4,49 tỷ USD, chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này trên toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu gỗ dán đạt 0,79 tỷ USD vào năm 2019, chiếm 5% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam tăng 19% so với năm 2018.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra 3 cảnh báo rủi ro. Đầu tiên là rủi ro nội tại từ nguồn cung nguyên liệu: Các quy định thuế giá trị giá tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với các tổ chức, cá nhân cung cấp nguyên liệu đầu vào cho đơn vị sản xuất gỗ dán là khác nhau. Đa phần nguồn đầu vào phục vụ cho sản xuất gỗ dán được cung cấp từ các hộ gia đình, không có đủ năng lực để có thể thực hiện đúng các quy định.
Tiếp đến là rủi ro do sự mở rộng và đón nhận nguồn đầu tư nước ngoài. Sự gia tăng về lượng và giá trị xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc và Mỹ cùng với việc đón nhận nhiều dự FDI mới vào mặt hàng gỗ dán, trong đó có các dự án FDI từ Trung Quốc, khiến cho mặt hàng này đã và đang đứng trước các vụ kiện chống lấn tránh thuế và chống bán phá giá. Cùng với đó là rủi ro trong khâu sử dụng gỗ dán làm nguyên liệu đầu vào cho các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng tủ bếp. 
Để phát triển bền vững ngành gỗ dán, đại diện nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức cho rằng, cần tiến hành đánh giá chi tiết về thực trạng trong khâu cung cấp gỗ nguyên liệu, từ đó thực hiện đánh giá các chính sách có liên quan. Điều này sẽ giúp cho việc điều chỉnh các cơ chế chính sách hiện này sát với thực tế hơn, tạo thuận lợi cho các bên tham gia trong khâu đầu của chuỗi cung này thực thi chính sách hiệu quả.
Đối với việc kiểm soát nguồn gỗ dán nhập khẩu, thực trạng của việc nhập khẩu gỗ dán và sản xuất gỗ dán trong nước cũng cần được đánh giá nhằm cung cấp thông tin cho chuỗi cung nội địa. Việc đánh giá luồng cung nhập khẩu, đánh giá luồng cung sản xuất nội địa có thể được thực hiện thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp tự khai báo, kết hợp với thông tin điều tra từ chính quyền địa phương và các hiệp hội nghề nghiệp địa phương. 
Liên quan đến quản lý rủi ro đối với nguồn gỗ dán là đầu vào đối với mặt hàng tủ bếp, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có thông tin kịp thời về sự phát triển và chuyển dịch đầu tư đối với mặt hàng, tăng cường cảnh báo, chia sẻ thông tin… để các doanh nghiệp Việt Nam tránh được những rủi ro trong tương lai.