Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhận diện thách thức mới về FDI

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ bị ảnh hưởng. Giới chuyên gia cho rằng các cơ quan chức năng tìm được giải pháp phù hợp cũng như kết hợp nhiều biện pháp khác sẽ khôi phục được hoạt động đầu tư nước ngoài.

Năm 2020, dòng vốn FDI sẽ sụt giảm
Không nằm ngoài dự đoán, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, vốn FDI vào Việt Nam đang bắt đầu xu hướng sụt giảm. Không chỉ là vốn đăng ký, mà vốn giải ngân cũng đã giảm so với cùng kỳ. Hai tháng đầu năm, vốn giải ngân chỉ đạt 2,45 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ. Riêng giải ngân trong tháng 2/2020 giảm tốc khá mạnh, chỉ đạt 850 triệu USD. Đây là điều đã không xảy ra trong nhiều năm nay, vốn FDI giải ngân luôn có xu hướng tăng so với cùng kỳ.
Sau Tết Nguyên đán, cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khá nhiều chuyến xúc tiến đầu tư, tìm kiếm các cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài ở Việt Nam đã bị hủy bỏ. Điều này được cho là sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình thu hút FDI của Việt Nam trong vài tháng tới.
 Sản xuất cánh tà máy bay tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng
“Các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư NĐT tiềm năng của Trung Quốc nói riêng và các nước khác có nhiều khả năng bị trì hoãn, bao gồm những hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, các hội thảo, diễn đàn DN, diễn đàn xúc tiến đầu tư…” - báo cáo gửi Chính phủ mới đây của Bộ KH&ĐT cho hay.
Bộ KH&ĐT cũng nhận định, do nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt đối với mặt hàng không thiết yếu sẽ giảm mạnh, làm cho sản xuất bị đình trệ, hàng tồn kho lớn. Các NĐT mới sẽ do dự đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này. Đối với những dự án đã đầu tư, NĐT có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.
Trong cả 2 kịch bản thu hút FDI năm 2020 mà Tổng cục Thống kê xây dựng, con số đều thấp hơn so với dự kiến. Nếu không có dịch Covid-19, dự kiến cả năm Việt Nam sẽ thu hút được 39,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng khi có dịch bệnh, câu chuyện sẽ khác. Nếu dịch kết thúc ở quý I, con số dự kiến giảm xuống còn 38,6 tỷ USD. Nếu dịch kết thúc vào quý II, cả năm sẽ chỉ thu hút được 38,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Trên thị trường quốc tế, Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hôm 8/3, nhận định sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 sẽ khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu giảm 5 - 15% so với các dự báo được đưa ra trước đó. Trong số 100 công ty đa quốc gia được UNCTAD theo dõi, nhiều công ty đang giảm bớt chi tiêu vốn vào các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, UNCTAD cho biết tác động tiêu cực của dịch Covid-19 được dự báo còn lan rộng và gia tăng hơn nữa.
Chiến lược lâu dài
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan chức năng phải ổn định tâm lý thị trường, cung cấp những thông tin, chính sách hỗ trợ có lợi để duy trì tâm lý NĐT. Điều này có nghĩa là nếu các cơ quan chức năng tìm được giải pháp phù hợp cũng như kết hợp nhiều biện pháp khác sẽ khôi phục được hoạt động đầu tư nước ngoài. Mặc dù vậy, một thông tin tích cực vừa được tờ Nikkei Asian Review đăng tải, đó là dịch Covid -19 đang khiến cả Google và Microsoft đều muốn tăng tốc chuyển sản xuất điện thoại, laptop và các thiết bị khác từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Và Việt Nam là một trong những điểm đến được ưu tiên lựa chọn.
Sản xuất linh kiện điện thoại tại Khu Công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng
Trung Quốc hiện là nước nhận FDI lớn thứ hai, do đó, dòng vốn FDI chảy vào nước này giảm đáng kể trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng đến mức độ của dòng vốn FDI toàn cầu. Việt Nam được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn của các NĐT nước ngoài, bởi bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, lao động dồi dào, DN FDI đầu tư vào Việt Nam còn được hưởng lợi lớn từ các FTA thế hệ mới.
Reuters báo cáo rằng Foxconn, nhà sản xuất hợp đồng số 1 thế giới đang sử dụng các nhà máy ở các nước khác, trong đó có Việt Nam, để bù lấp vào khoảng trống các nhà máy Trung Quốc để lại. Tập đoàn mẹ Samsung Electronics xác nhận, ngày 6/3 sẽ tạm thời chuyển dây chuyền lắp ráp hai sản phẩm cao cấp Galaxy G20 và Z Flip tới Việt Nam, sau khi phát hiện 6 công nhân nhiễm Covid-19 tại nhà máy ở Hàn Quốc.
Kết quả khảo sát mới nhất của Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam cho biết, khoảng 76% DN Đức tại Việt Nam cho biết sự bùng phát của dịch Corona đã tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh và đầu tư. Khảo sát cũng cho biết, hơn một nửa DN Đức có kế hoạch nâng cao mức đầu tư tại Việt Nam, cao hơn tỷ lệ 44% của toàn Đông Nam Á cũng như của tỷ lệ 52% của năm ngoái.
Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, để phân tán rủi ro, có 122 DN Nhật Bản quyết định di dời sản xuất tại Trung Quốc và nơi được lựa chọn chuyển đến hàng đầu chính là Việt Nam. "Việt Nam đứng đầu danh sách với 42,3% trong số 122 DN nói trên lựa chọn. Tiếp theo là Thái Lan (20,6%), Philippines (18,6%) và Indonesia (16,5%)" - ông Takeo Nakajima cho hay.
Các chuyên gia của BIDV dự báo, trong trung hạn, thu hút FDI năm 2020 tại Việt Nam vẫn có thể tăng khoảng 5%, nhưng thấp hơn 2,2 điểm phần trăm so với mức tăng năm 2019. Tuy nhiên, để duy trì được mức tăng này, cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều chính sách khác về luật pháp, cơ chế ưu đãi đầu tư. Trong đó, về pháp luật cần tiếp tục có những biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Việt Nam là một điểm đến rất đáng tin cậy cho các NĐT với sự ổn định chính trị và xã hội cũng như sự năng động của nền kinh tế.
Giữa tình hình hiện tại, mặc dù Việt Nam bị đánh giá là một trong những nước dễ bị tổn thương, chịu nhiều rủi ro lây lan dịch Covid-19 nhưng quốc tế đánh giá cao sự chủ động và quyết liệt của Việt Nam trong phòng, chống dịch này, cũng như việc Chính phủ tiếp tục quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh.

"Việt Nam là một trong những nước thu hút vốn đầu tư FDI hàng đầu khu vực với khoảng 70% vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp kéo theo nhu cầu rất lớn về hạ tầng khu công nghiệp. Các công ty quốc tế lớn vẫn duy trì mối quan tâm cao đối với việc đầu tư vốn vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và sản xuất điện. " - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm


Trong số 38 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2020, Singapore là NĐT lớn nhất với 4.111,6 triệu USD, chiếm 82,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc, Hongkong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản... Theo các chuyên gia của BIDV, dịch bệnh sẽ thúc đẩy các NĐT xem xét dịch chuyển dòng vốn, dự án FDI từ Trung Quốc và lãnh thổ liên quan (Hongkong, Macau…), vốn dĩ đã dịch chuyển thời gian qua cũng như bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.