Giao dịch khối ngoại tích cựcSau tháng 4 và 5, thị trường chứng khoán tăng mạnh thì tháng 7 chỉ số chứng khoán của Việt Nam đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Chỉ số VN-Index giảm 26,72 điểm tương đương mất 3,24%, đóng cửa phiên cuối tháng 7 tại mức 798,39 điểm.Nhìn lại diễn biến của thị trường, 17 phiên đầu tháng 7 chỉ số VN-Index tăng điểm tích cực. Chỉ số này phản ứng tiêu cực trước thông tin về các trường hợp nhiễm Covid-19 mới tại Đà Nẵng được công bố từ ngày 24/7. 2 phiên chỉ số VN-Index giảm mạnh nhất là ngày 24/7 mất 27,59 điểm, tương đương giảm 3,22% và ngày 27/7 chỉ số này mất 43,99 điểm tương đương giảm 5,31%, xuống mức 785,17 điểm. Đây là mức điểm thấp nhất của VN-Index trong tháng 7.Mặc dù chỉ số VN-Index giảm nhưng thị trường không sụt giảm thanh khoản còn tăng trở lại. Tuy nhiên, lượng cổ phiếu khớp lệnh đều ở vùng giá thấp, lực bán tập trung lớn ở nhóm có tính đầu cơ.Thanh khoản qua kênh khớp lệnh, bình quân 1 phiên khớp lệnh trên HOSE đạt 237,4 triệu cổ phiếu. Trong đó, giai đoạn từ đầu tháng đến ngày 23/7 chỉ đạt 217,3 triệu. Còn giai đoạn từ 24/7 đến cuối tháng thì khớp lệnh giao dịch bình quân lên đến 295,5 triệu cổ phiếu, cao hơn khoảng 78 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường ghi nhận 4.386 tỷ đồng, giảm 28,3% so với tháng 6, nhưng vẫn cao hơn 26,3% so với tháng 7 năm ngoái.
VN-Index đóng cửa phiên cuối tháng 7 (ngày 31/7) giảm điểm. |
Tuy nhiên nếu bóc tách theo nhóm vốn hóa, thì nhóm VN30 lại có sự sụt giảm thấp nhất về điểm số và khối lượng giao dịch (KLGD) khớp lệnh so với tháng trước. Chỉ số VN30 mất 3,9% điểm số và 33% KLGD; trong khi chỉ số của nhóm cổ phiếu vừa (VNMidcap) mất 5% điểm số và 34% về KLGD; còn chỉ số của nhóm cổ phiếu nhỏ (VNSmall) tương ứng 4,6% và 44%. Điều này cho thấy dòng tiền rút mạnh hơn ở nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao.Đặc biệt, sự sụt giảm của thị trường về điểm số nhưng giao dịch khối ngoại lại tích cực hơn. Cụ thể, khối ngoại bán ròng trong phần lớn thời gian của tháng 7 với chuỗi bán ròng 12 phiên liên tiếp từ 8/7-23/7.
Tính đến ngày 23/7, giá trị bán ròng đã lên tới 1.586 tỷ đồng. Tuy nhiên, khối này bất ngờ mua ròng trở lại kể từ phiên ngày 24/7 khi thị trường sụt giảm do tác động Covid-19 và mua ròng liên tiếp 1.155 tỷ đồng trong 5 phiên.
Tính chung, cả tháng khối ngoại chỉ bán ròng 550 tỷ trong tháng 7, trong đó 997 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh và mua ròng 447 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận. Nhóm cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất trong tháng bao gồm PLX, KDC, VHM, FUEVFVND và CTG, trong khi các mã bị bán ròng là HPG, DHC, VCB, DXG và MSN.
Những cổ phiếu cần quan tâm trong tháng 8 và cuối năm
So với đợt sụt giảm hồi tháng 3, khối ngoại có động thái tích cực hơn qua đó giúp đà giảm của thị trường nhanh chóng chững lại. Tháng 7 thị trường chứng khoán trong và ngoài nước đón nhận thông tin nhiều nền kinh tế chính thức rơi vào suy thoái. Cùng với đó là sự bùng phát mạnh của làn sóng dịch bệnh thứ 2 đã khiến các triển vọng hồi phục kinh tế trở lên bi quan hơn.Nhà đầu tư (NĐT) cá nhân vẫn là lực đỡ chính cho các TTCK khi đổ mạnh vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu và các quỹ ETF của Trung Quốc. Nếu loại trừ 2 nhóm quỹ này, dòng tiền đầu tư toàn cầu vẫn đang rút ròng khỏi cổ phiếu và chuyển hướng sáng đầu tư trái phiếu. Đồng USD mất giá mạnh, đặc biệt so với EUR. USD giảm giá mạnh sẽ khiến các tài sản đầu tư tại các thị trường mới nổi và khu vực châu Á nói riêng hấp dẫn hơn. Tình hình Covid-19 khu vực châu Á (ngoại trừ Ấn Độ) nhìn chung vẫn đang được kiểm soát, chỉ số PMI tháng 7 cải thiện mạnh ở hầu hết các nước khiến dòng tiền đổ vào cổ phiếu các nền kinh tế mới nổi khu vực Châu Á khá lạc quan. Dòng vốn ngoại ở thị trường Việt Nam có tín hiệu tích cực cả ở các quỹ ETF và các quỹ chủ động.Cụ thể, gần 700 tỷ đồng vốn tăng thêm tại các quỹ ETF, ghi nhận tháng thứ 3 liên tiếp có vốn vào. Đáng chú ý, động lực dịch chuyển sang khối ETF ngoại khi 2 quỹ thu hút được dòng vốn lớn nhất là VanEck Vectors ETF (262 tỷ đồng) và FTSE Vietnam ETF (146 tỷ đồng) và yếu đi ở các quỹ nội mới thành lập.Động thái quyết liệt kiểm soát dịch bệnh đóng vai trò quyết định đến tâm lý đầu tư cũng như hiệu lực của các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Việt Nam sẽ là yếu tố chính chi phối diễn biến dòng vốn vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới.Theo Công ty Chứng khoán SSI phân tích: Lợi nhuận sau thuế (LNST) thực hiện quý 2/2020 của 841/1.650 công ty niêm yết (chiếm 95% tổng vốn hóa thị trường) trên cả ba sàn đã giảm 18,3% so với cùng kỳ. Trong đó, các công ty niêm yết trên HOSE có có mức sụt giảm 14,7%, riêng nhóm VN30 giảm 7,3%. Trong tháng 8 và những tháng còn lại của năm 2020, diễn biến của dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng vĩ mô và triển vọng doanh nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp trên thế giới gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng và tốc độ phát triển kinh tế trong tương lai qua đó tác động tiêu cực lên TTCK.Tuy nhiên, thanh khoản dồi dào ở hệ thống ngân hàng và môi trường lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố hỗ trợ tích cực hơn cho TTCK Việt Nam trong giai đoạn tới. Nhịp giảm vào các phiên cuối cùng của tháng Bảy, dòng tiền liên tục đi vào ở các mức giá thấp đặc biệt là phiên 27/7 với thanh khoản đột biến cho thấy lực cầu ở vùng giá thấp vẫn đang rất mạnh. Thêm vào đó, chỉ số VN-Index đã vượt lên trên vùng đáy 822 điểm của tháng 6 đã cho thấy chỉ số này đã tạo đáy ở 780 điểm và quay trở lại xu hướng tăng. Mức kháng cự gần nhất trên VN-Index nằm tại 880 điểm, nhiều khả năng chỉ số sẽ đạt mục tiêu cao nhất 880 điểm trong tháng 8.
Nhóm cổ phiếu ngành xây dựng, sắt thép được hỗ trợ bởi giải ngân vốn đầu tư công và các công trình đầu tư bất động sản gia tăng. |