Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân ngày Dân số thế giới 11/7: Tránh thai để làm chủ cuộc sống

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua công tác dân số kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát quy mô dân số của Việt Nam. Chính vì vậy, Ngày Dân số thế giới (11/7) năm nay đã lấy chủ đề “Thành công của KHHGĐ là tiền đề cho sự phát triển bền vững”. Trong đó, điểm nhấn là công tác tuyên truyền về các biện pháp tránh thai (BPTT).

Tỷ lệ sử dụng BPTT tăng
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, công tác KHHGĐ đã được Việt Nam quan tâm khi ban hành Quyết định về “Sinh đẻ có hướng dẫn” và giao Bộ Y tế có trách nhiệm cung cấp với giá rẻ, tạo thuận lợi cho người dân sử dụng các BPTT. Bởi vậy, tỷ lệ sử dụng các BPTT khi mới triển khai chỉ đạt 15%, thì đến nay đạt 80,5%. “KHHGĐ đã giúp các cặp vợ chồng có số con như mong muốn và việc sinh đẻ đã chuyển từ hành vi mang tính tự nhiên, bản năng sang hành vi có kế hoạch, văn minh; từ bị động sang chủ động, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số KHHGĐ (Bộ Y tế) Nguyễn Cảnh Nhạc cho hay.
 Diễu hành tuyên truyền về Ngày Dân số thế giới tại quận Thanh Xuân, sáng 10/7. Ảnh:  Thanh Hải.
Theo thống kê của Tổng cục Dân số KHHGĐ, tỷ lệ sử dụng các BPTT ở nước ta cao nhất ở khu vực Đông Nam Bộ (83,4%) và thấp nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng (75,1%), tỷ lệ này ở khu vực thành thị cao hơn nông thôn. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng hơn 30% các cặp vợ chồng ưa chuộng các BPTT truyền thống (xuất tinh ngoài, tính ngày rụng trứng…) hơn các BPTT hiện đại (sử dụng bao cao su, que cấy, miếng dán, màng film diệt tinh trùng…). Tỷ lệ này ở Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực.
GS Nguyễn Đình Cử - Viện nghiên cứu Dân số, gia đình và trẻ em chia sẻ, việc thực hiện các BPTT vẫn chủ yếu là phụ nữ. Đây là một biểu hiện bất bình đẳng giới nghiêm trọng trong lĩnh vực KHHGĐ cần giảm dần và đi đến loại bỏ. Mặt khác, tỷ lệ sử dụng không liên tục các BPTT ở các cặp vợ chồng khá cao (khoảng 32,3%) nên dễ dẫn đến tình trạng “vỡ kế hoạch”, từ đó làm gia tăng tỷ lệ nạo phá thai ở phụ nữ hiện nay. Đặc biệt, tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên/thanh niên đang có xu hướng tăng lên. Phần lớn do nhóm tuổi này còn hạn chế kiến thức về phòng tránh thai.
Chú trọng đến chất lượng
Theo GS Nguyễn Đình Cử, với độ bao phủ rộng rãi toàn quốc của các dịch vụ KHHGĐ như hiện nay, nên chú trọng hơn đến chất lượng của các dịch vụ. Do vậy, Tổng cục               DS - KHHGĐ cần xây dựng các hướng dẫn quốc gia về giám sát và kỹ thuật cho các nhà cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở nước ta sẽ tiếp tục gia tăng và đạt cực đại vào năm 2027 – 2028. Do vậy, Phó Chủ tịch Hội phụ sản Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Phượng khuyến cáo, từng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hãy chủ động tìm kiếm thông tin tin cậy về các biện pháp ngừa thai hiện có để lựa chọn BPTT phù hợp cho mình.
Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam Astrid Bant khuyến nghị, Tổng cục Dân số KHHGĐ cần xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả để giảm thiểu sử dụng các phương pháp truyền thống và tăng cường sử dụng các BPTT hiện đại. Để tiếp tục mở rộng phạm vi lựa chọn của khách hàng về các BPTT, các trung tâm tư vấn cung cấp thêm thông tin về các khía cạnh khác nhau của dịch vụ KHHGĐ cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng mới và những khách hàng muốn đổi BPTT khác. Đặc biệt, phát huy vai trò của cộng tác viên dân số trong việc cung cấp các phương pháp tránh thai phi lâm sàng (bao cao su, thuốc tránh thai…).