Các trang thông tin, trang mạng xã hội đã đưa thông tin sai, các báo chí khác cũng có quyền bình luận thêm để người dân hiểu rõ. Trong Luật Báo chí cũng quy định cụ thể, các cơ quan Nhà nước phải cung cấp thông tin cho báo chí.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son trao đổi với báo chí sáng 17/6.
Vậy đối với những người dựng lên thông tin bịa đặt, tới đây, Bộ TTT&TT sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?
- Chắc chắn các cơ quan chức năng phải xem xét rồi tìm ra nguồn gốc thông tin, xuất xứ từ đâu. Nếu nguồn gốc là vô tình lấy những thông tin trên mạng xuống cũng không được, bởi báo chí đã đưa lên mạng của mình, phải kiểm chứng theo đúng quy định. Riêng với mạng xã hội, nếu là của Việt Nam chắc chắn các cơ quan sẽ tìm ra. Còn nếu mạng xã hội ở nước ngoài, thực sự hiện nay vẫn là điều rất khó và thách thức, vì chế tài trong nước chưa có.
Theo ông, khi internet phát triển, người dân rất thuận lợi để tiếp cận thông tin, cần có biện pháp như thế nào để hạn chế những thông tin sai lệch?
- Quan trọng nhất là nhận thức của người dân, những người sử dụng internet, nhất là lớp trẻ, cần có "sức đề kháng" cho tốt. Bản chất của internet là văn minh tiến bộ của loài người. Cũng như ô tô là sự phát triển hơn so với xe máy, nhưng ô tô không có tội gì cả khi gây tai nạn, mà chỉ có người điều khiển ô tô, điều khiển phương tiện giao thông dẫn đến tai nạn. Chính vì vậy, phải nâng cao ý thức của người tham gia giao thông cho tốt cũng như người sử dụng internet, để chống lại những hành vi tiêu cực.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!