Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhẫn vàng trơn "cháy" hàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Xu hướng mua tích trữ vàng nhẫn ngày càng tăng mạnh, khiến các doanh nghiệp phải luôn tay sản xuất mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.

KTĐT - Xu hướng mua tích trữ vàng nhẫn ngày càng tăng mạnh, khiến các doanh nghiệp phải luôn tay sản xuất mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.

Từ nhiều ngày nay, cô Thanh, nhà ở Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) ba lần bảy lượt đến một tiệm vàng uy tín gần nhà để mua trang sức nhẫn tròn trơn mà khi nào cũng về tay không vì hết hàng.

Tương tự, chị Thoa, nhà ở phố Hàng Buồm canh đến cửa hàng từ lúc 9h sáng để hỏi mua nhẫn trơn 9999, nhưng nhân viên cho biết nhẫn 1 chỉ đã hết sạch, chỉ còn loại 3 chỉ và hẹn chị 15h chiều quay lại. Chị Thoa cho biết từ nhiều ngày nay, nhẫn tròn trơn rất khó mua tại nhiều cửa hàng trên phố, nhất là tại những nơi uy tín.

Gần 10h trưa nay 14/3, giá vàng vọt lên mức 37,21 triệu đồng một lượng bán ra. Lúc giá tăng, tưởng như nhu cầu mua vàng sẽ giảm nhưng ngược lại, khu vực bán nhẫn trơn ở tầng 2 cửa hàng Bảo Tin Minh Châu vẫn đông khách xếp hàng chờ mua.

Về phía doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu tại Hà Nội, ông Nguyễn Minh Châu cho biết từ tuần trước đến nay, nhu cầu mua vàng nhẫn mỗi ngày tăng 150 đến 200% so với bình thường. "Công nhân chế tác nhẫn phải làm tăng ca thêm 2 tiếng mỗi ngày so với trước mà vẫn không đủ hàng để bán", ông Châu cho biết.

Song song với xu hướng tăng mua nhẫn, lượng khách hỏi mua vàng miếng giảm nhẹ so với trước. Có khách đến hỏi 5 cây vàng nhưng nhất định đòi mua dưới dạng nhẫn trơn chứ không mua vàng miếng, dù nhân viên cho biết nhẫn hiện hết hàng.

"Bán rất chạy" cũng là từ mà ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji miêu tả sức mua nhẫn trơn đóng vỉ, một sản phẩm mới của tập đoàn. Lúc ra sản phẩm này đợt Tết Âm lịch, công ty ông chỉ dự định nhắm vào nhu cầu làm quà tặng. Tuy nhiên với thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, nhu cầu đột ngột tăng mạnh, từ 30 đến 50 lượng mỗi ngày hôm trước Tết đến khoảng 150 lượng những ngày gần đây. Do đó, Doji cũng đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu.

Các doanh nghiệp nhận định ngoài tác động từ chính sách siết chặt vàng miếng tự do, sức hấp dẫn của vàng nhẫn trơn còn đến từ giá cả sản phẩm. Tại nhiều nơi, nhẫn được bán với giá ngang với vàng miếng thông thường, nên cũng "được lòng" nhiều nhà đầu tư muốn trữ kim loại quý nhưng đang ngại "vàng miếng tự do". Cũng có nơi thu phí gia công nhẫn nhưng không nhiều, từ 10.000 đến 20.000 mỗi sản phẩm, do sản xuất nhẫn mất công sức hơn nhiều so với vàng miếng.

Dù bán được hàng nhưng doanh nghiệp cũng không hẳn vui. Giới buôn bán vàng nhận định trào lưu mới này như một "bước lùi" quay về thời kỳ lạc hậu trước đây, khi mỗi người dân giắt lưng vài chỉ vàng nhẫn để làm vốn.

Ông Đỗ Minh Phú cho rằng nhu cầu vàng miếng của người dân vẫn luôn là số một vì đây là phương tiện tích trữ có tính thanh khoản rất cao. Tương tự, theo ông Nguyễn Minh Châu, xu hướng mua vàng nhẫn trơn là một bất lợi đối với chính người đầu tư và thị trường. "Trừ khi họ mua vàng nhẫn ở nơi đảm bảo, có uy tín, còn lại giá trị vàng nhẫn có thể sẽ bị trừ hao khá nhiều theo thời gian, phụ thuộc vào tuổi vàng, chất lượng vàng", ông Châu nói.

Một nhà đầu tư vàng lâu năm, anh Quang (khu đô thị Mỹ Đình) đoán rẳng vàng trang sức chỉ là xu thế tạm thời, do tác động của thông tin cấm mua bán vàng miếng trên thị trường. "Bất đắc dĩ mới phải đầu tư vàng trang sức, vì khi bán loại này, dù thế nào, vẫn không có lãi bằng vàng miếng, thậm chí còn lỗ vốn vì còn phải tính thêm chi phí gia công". anh này nhận định. Còn về lâu dài, vàng miếng là phương tiện tích trữ khó có thể thay thế được, cả nhà đầu tư và doanh nghiệp nhận định.