Theo đó, Đề án phải đề xuất được các tuyến đường cụ thể, tiến độ triển khai xây dựng, tốc độ triển khai tại các thời điểm khác nhau tại những khu vực có điều kiện địa chất khác nhau. Đối với hệ thống đường địa phương, đề án cần tập trung vào xây dựng các cơ chế chính sách, hệ thống tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật nhằm định hướng để các địa phương căn cứ vào thực tế áp dụng cho phù hợp. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ về tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là xây dựng mặt đường bê tông xi măng sẽ giúp đưa công nghệ xây dựng đường bê tông xi măng trở thành công nghệ xây dựng phổ biến trong xây dựng hạ tầng giao thông, tranh thủ nguồn cung cấp xi măng trong nước với mục tiêu ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Được biết, hiện Bộ Giao thông vận tải triển khai thí điểm sử dụng bê tông xi măng đối với 5 dự án: Tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (thuộc tỉnh Hưng Yên và Hà Nam); Tuyến đường nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1A; Quốc lộ 8B (Đoạn từ đường vào cầu Bến Thủy đến QL1A, tỉnh Hà Tĩnh); Dự án điều chỉnh Quốc lộ 32C, đoạn qua thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; khoảng 10km Quốc lộ 15A khu vực Truông Bồn, tỉnh Nghệ An. Năm dự án thí điểm nhằm xây dựng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, từ đó đúc rút kinh nghiệm để làm chủ công nghệ thiết kế, thi công và khai thác mặt đường bê tông xi măng ở Việt Nam. Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành Đề án sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 8/2012. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện tỷ lệ mặt đường bê tông xi măng cả nước chỉ chiếm 3,1%. Ưu điểm chính của đường bê tông là có tuổi thọ cao, thích hợp với tình trạng thường xuyên ẩm ướt tại Việt Nam. Tuy nhiên, phí xây dựng, đầu tư trang thiết bị ban đầu cao, khó sửa chữa khi hư hỏng. Năm 2012 toàn ngành xi măng có công suất thiết kế khoảng 70 triệu tấn, sản lượng dự kiến đạt từ 60 đến 62 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa dự kiến khoảng 47- 48 triệu tấn, xuất khẩu 7 – 8 triệu tấn. Như vậy, số lượng xi măng dư thừa trong năm nay vẫn còn khoảng 6 triệu tấn. Thực tế, đường bê tông xi măng đã được triển khai xây dựng ở Việt Nam từ những năm 1970, đó là con đường Xuân Hòa-Vĩnh Phúc. Sau hơn 30 năm xây dựng, đến nay con đường này được đánh giá vẫn tốt. Nhiều nước trên thế giới đều sử dụng xi măng trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.