Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ là phương án “chữa cháy”

Thiện Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 8 tháng năm 2016, cơ cấu thị phần nhập khẩu TĂCN có sự biến động mạnh khi một số thị trường gia tăng như Áo (tăng 60,5%), Trung Quốc (tăng 39,9%)...

Các thị trường còn lại đều có giá trị nhập khẩu giảm mạnh. Còn theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), kim ngạch nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu trong tháng 8/2016 từ Trung Quốc đạt trị giá hơn 32 triệu USD, giảm 46,26% so với tháng trước đó, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2016 lên hơn 193 triệu USD.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện nay, nhập khẩu TĂCN  từ Trung Quốc chủ yếu là thức ăn bổ sung, vitamin, khoáng chất, amino axit. Còn lại các mặt hàng như ngô, đậu tương thì số lượng nhập khẩu không nhiều và 2 mặt hàng này chủ yếu nhập từ Argentina. Ông Dương cũng cho biết, cùng với kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, Cục Chăn nuôi phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai siết chặt quản lý chất lượng TĂCN nhập khẩu. Toàn bộ các lô hàng nguyên liệu TĂCN từ Trung Quốc nói riêng và các nước nói chung đều được kiểm tra, kiểm soát. “Phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện và sản phẩm có trong danh mục được công bố thì mới được phép nhập khẩu vào nước ta” – ông Dương cho hay.
Thông tin về nhập khẩu TĂCN từ Trung Quốc, đại diện Hiệp hội TĂCN Việt Nam cũng cho rằng, đây chỉ là phương án “chữa cháy” cho các DN sản xuất thức ăn gia súc trong nước. Phó Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam Phạm Đức Bình cho biết, lý do nhập khẩu từ Trung Quốc có sự tăng trưởng mạnh thời gian qua là do nhiều tàu chở hàng từ Nam Mỹ bị “delay” ở cảng, do đó buộc một số DN phải chuyển hướng tìm nguồn nguyên liệu ở thị trường khác. Trong đó, Trung Quốc cũng có một số nhà máy ép dầu đậu nành, ngô có quy mô lớn và thời gian vận chuyển từ nước này về cũng ngắn hơn. Thông thường, các tàu chở ngô, đậu tương từ Nam Mỹ theo đường biển về tới Việt Nam mất khoảng 30 ngày, còn từ Trung Quốc về sẽ rút ngắn được một nửa thời gian.