KTĐT - Không chỉ các quầy trong chợ Đồng Xuân, mà tại phố bánh kẹo Hàng Buồm, nhiều chủng loại kẹo cũng được đổ cân, bày tràn trước mỗi cửa hàng.
Qua kiểm tra, khảo sát tại chợ đầu mối Đồng Xuân, phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm), làng nghề xã La Phù (huyện Hoài Đức)… về mặt hàng bánh mứt kẹo, thực phẩm Tết Canh Dần các ngày vừa qua cho thấy, thực trạng vi phạm trên diện rộng quy định về ghi nhãn, xuất xứ hàng hóa.
Từ của ngoại…
Quản lý thị trường cũng mỏi mắt tìm tên - Ảnh: N.N |
Tại quầy hàng bánh kẹo Tâm Thu ngay sát lối vào chợ Đồng Xuân, một gói sản phẩm ghi tên tiếng Việt là Đông trùng hạ thảo xuất xứ Tây Tạng, bên trong gồm nhiều bánh nhỏ được niêm yết giá hơn 400.000 đồng.
Điều này khiến những người tiêu dùng sành sỏi không khỏi ngạc nhiên khi mặt hàng cùng tên mua ở Trung Quốc được cân như vàng với giá hàng trăm đến cả nghìn đôla mỗi lạng nhỏ.
Đáng nói là, không phải hàng nội địa sản xuất nhưng ngoại trừ tên tiếng Việt do cửa hàng tự đề lên, bao bì sản phẩm toàn bộ bằng tiếng Trung Quốc. Tìm mãi không thấy có tem mác của đơn vị nhập khẩu và phân phối, chất vấn một lúc, chủ cửa hàng mới cho hay, đây là hàng được nhà chị nhập lại từ các đầu mối ở phố Lãn Ông.
Đến các ki-ốt bánh mứt kẹo sâu trong chợ, tình hình cũng tương tự khi rất nhiều loại bánh cân được bày tràn ngập trên các khay nhựa, nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đơn vị sản xuất, nhập khẩu, thành phần, điều kiện bảo quản cũng như hạn sử dụng…
Hỏi về bao bì, thùng, hộp carton, tem mác của các sản phẩm trên, chủ quầy Hạnh Dung số 98-B1 nói không có, bởi lẽ tất cả đều được chị nhập trên phố Nguyễn Siêu, mỗi lần đóng túi nilon 5kg đem về chợ Đồng Xuân kinh doanh chứ không phải nhập theo thùng hàng.
Còn tại khu vực bán thực phẩm khô, mỗi loại từ tôm, cá khô, măng, miến, đậu đỗ, nấm, sâm, mộc nhĩ… được bao gói riêng trong các túi nilon hoặc bao lớn nhỏ. Trước mỗi bao túi là tên hàng kèm chất lượng được phân định là loại 1 hay loại đặc biệt do các chủ quầy tự phân định, dán nhãn.
Thấy một số cán bộ kiểm tra thắc mắc về nguồn gốc, xuất xứ mặt hàng có tên Tổ yến hồng bởi nâng lên đặt xuống thế nào cũng chỉ thấy toàn chữ Trung Quốc, chủ quầy 80 B1 vừa nhanh tay thu hàng về, vừa nói nhỏ: “Đây chỉ là một sản phẩm do người quen gửi, nhờ bán hộ, chứ không phải mặt hàng chúng em kinh doanh thường xuyên” (?!)
Nhãn mác, có cũng như không. (Ảnh chụp tại chợ Đồng Xuân: N.N) |
… đến hàng nội
Không chỉ các quầy trong chợ Đồng Xuân, mà tại phố bánh kẹo Hàng Buồm, nhiều chủng loại kẹo cũng được đổ cân, bày tràn trước mỗi cửa hàng. Để xem được tên nhãn sản phẩm, khách hàng bắt buộc phải soi kỹ từng dòng chữ li ti trên từng chiếc kẹo, bánh.
Cầm trên tay chiếc thạch dừa được sản xuất bởi đơn vị trong nước có tên là Đức Hạnh, ông Trần Thành Công – Cục phó Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa – Bộ Khoa học & Công nghệ, đồng thời là Trưởng đoàn kiểm tra số 5 - Ban Chỉ đạo 127 Trung ương dò mãi mới tìm ra hạn sử dụng in trên nhãn là ngày 30/9/2010.
Song, như chưa bằng lòng với những gì trông thấy, ông Công vẫn lắc đầu: “Hạn sử dụng như thế này chưa nói lên được điều gì, thời hạn sử dụng 1 năm kể từ ngày sản xuất, nhưng chưa rõ trong điều kiện bảo quản nào.
Ví dụ trong môi trường khô ráo, nhiệt độ giữ đều đặn ở mức thấp thì sản phẩm để được trong vòng 1 năm, nhưng dưới điều kiện bảo quản, bày bán ở các chợ hay các cửa hàng bên lề đường thế này thì thời hạn 1 năm mà nhà sản xuất đưa ra là không rõ ràng, không thỏa đáng” – ông Công nhận định.
Việc công bố thông tin không rõ, không đầy đủ, không chính xác về sản phẩm từ phía các nhà sản xuất, kinh doanh, gây hiểu nhầm thậm chí có tính chất lừa dối người tiêu dùng, đáng nói là đang diễn ra rất phổ biến.
Mác một nơi, hàng một nẻo
Nhập nhèm nhãn mác: hàng nội mong thành ngoại, hàng ngoại chuyển thành nội. (Ảnh: N.N) |
Không chỉ dừng lại ở những sai phạm về việc ghi thời hạn sử dụng, ông Vương Trí Dũng – Chi Cục Phó, Chi Cục Quản lý Thị trường Hà Nội còn chia sẻ những trường hợp vi phạm khác như lập lờ, ghi nhãn sai tên, địa chỉ của nhà sản xuất, cơ sở cung cấp.
Chẳng hạn, giữa tháng 7/2009, đơn vị đã xử lý vi phạm đối với mặt hàng rau bắp cải tại một siêu thị lớn. Cụ thể, sản phẩm được ghi nhãn sản xuất tại vùng trồng rau thuộc xã Dương Nội, Hà Đông nhưng thực chất nguồn chính từ Trung Quốc.
Điển hình nhất, ngày 18/1 vừa qua, đoàn số 5, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương đã lập biên bản đối với Công ty TNHH Bánh kẹo Việt Pháp địa chỉ xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức vì vi phạm về ghi nhãn sản phẩm cũng như ghi không chính xác địa chỉ sản xuất.
Tuy là sản phẩm được sản xuất trong nước nhưng tất cả thông tin trên nhãn mác, bao bì đều sử dụng các thứ tiếng nước ngoài, điều này trái với Nghị định 89 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, trong đó quy định sử dụng tiếng Việt trên nhãn hàng hóa sản xuất trong nước.
Đã không cho người tiêu dùng nội địa biết được đó là sản phẩm bánh kẹo gì, trong công bố thành phần, nhà sản xuất cũng chỉ liệt kê chung chung là bột, đường, sữa, phụ gia…, mà không đề cập nhật chi tiết đó là loại phụ gia gì, tỷ lệ phần trăm bao nhiêu.
Đáng quan tâm hơn, thay vì sử dụng địa chỉ sản xuất là xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, trên bao bì các sản phẩm hộp giấy và hộp thiếc của mình, công ty tự ý chuyển thành “Cụm công nghiệp Dương Liễu” nhằm tạo sự thuyết phục cho sản phẩm trong mắt người tiêu dùng.