Trong một nỗ lực nhằm lấy lại vị thế của một cường quốc châu Á, tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Nhật Bản kéo dài 4 ngày (31/8 - 3/9). Chuyến thăm này không chỉ nhằm đưa mối quan hệ song phương Ấn - Nhật lên tầm cao mới mà còn là một bước đi nhằm hình thành và củng cố liên minh mới Mỹ - Ấn - Nhật.
Ngày 1/9, trong cuộc hội đàm cấp cao giữa Thủ tướng Modi và người đồng cấp nước chủ nhà Shinzo Abe, lãnh đạo hai nước đã thông qua thỏa thuận Ấn Độ sẽ hợp tác sản xuất đất hiếm để xuất khẩu sang Nhật Bản. Trong khuôn khổ thỏa thuận, mỗi năm, Nhật Bản sẽ nhập khẩu từ 2.000 đến 2.300 tấn đất hiếm - tương đương 15% nhu cầu sử dụng của các nhà sản xuất Nhật Bản mỗi năm và đợt giao hàng đầu tiên dự kiến sẽ được thực hiện vào tháng 2/2015. Đất hiếm là nguyên liệu cần thiết cho việc chế tạo các sản phẩm công nghệ cao. Trung Quốc gần như độc quyền về sản xuất và xuất khẩu đất hiếm, mặc dù nước này chỉ chiếm 23% tổng dự trữ trên thế giới. Hiện nay, Trung Quốc cung cấp tới 60% nhu cầu tiêu thụ đất hiếm của Nhật Bản. Vì thế, thỏa thuận này cho thấy, quyết tâm của Nhật trong việc tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Bên cạnh lĩnh vực đất hiếm, năng lượng hạt nhân dân sự, xây dựng cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ, chính phủ Ấn Độ và Nhật Bản đã nhất trí xúc tiến kế hoạch đàm phán để Tokyo bán cho New Dehli 15 chiếc thủy phi cơ US-2 - mặt hàng nằm trong diện từng bị cấm xuất khẩu và chuyển giao quốc phòng trong gần 50 năm qua của Nhật Bản trị giá 1,65 tỷ USD. Như vậy, Ấn Độ đã trở thành quốc gia "mở hàng" mua máy bay quân sự Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ II. Ngoài việc mua thủy phi cơ US-2, Nhật Bản cũng sẽ cho phép Ấn Độ hợp tác sản xuất các trang thiết bị của loại máy bay này trên lãnh thổ Ấn Độ.
Đặc biệt, trong cuộc hội đàm cấp cao hôm 1/9, Thủ tướng Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh song phương, đồng thời đặt mục tiêu tăng gấp đôi vốn đầu tư của Nhật Bản vào Ấn Độ trong 5 năm tới. Theo đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí "tìm kiếm cách thức tăng cường" tham vấn an ninh, từ cấp thứ trưởng ngoại giao và quốc phòng lên cấp bộ trưởng. Hai bên cũng quyết định "nâng cấp và đẩy mạnh" quan hệ quốc phòng, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thể thức hóa các cuộc tập trận hàng hải song phương, cũng như việc Nhật Bản tiếp tục tham gia các cuộc tập trận Malabar giữa Ấn Độ và Mỹ. Thủ tướng hai nước đã chỉ đạo các quan chức hai bên "thúc đẩy hơn nữa" tiến trình đàm phán để đi tới thoả thuận hạt nhân dân sự song phương. Nếu văn kiện này được ký kết, Nhật Bản sẽ xuất khẩu công nghệ hạt nhân sang Ấn Độ.
Rõ ràng, việc Nhật Bản và Ấn Độ lựa chọn là đối tác để hợp tác trong các lĩnh vực nhất là an ninh, quốc phòng cho thấy chính quyền hai nước đang thực hiện những bước đi nhằm xây dựng liên minh mới. Với Nhật Bản, liên minh với Ấn Độ sẽ giúp Tokyo có cơ hội tăng cường xuất khẩu sang quốc gia có dân số khổng lồ, hợp tác về an ninh nhằm đối phó với rủi ro đang ngày một gia tăng do sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Với Ấn Độ, xây dựng liên minh với Nhật sẽ giúp tân Thủ tướng Modi hiện thực hóa cam kết tranh cử là lấy lại sức mạnh, tầm ảnh hưởng của New Delhi trên trường quốc tế và khu vực.
Kinhtedothi - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo ngày 1/9. Ảnh: AFP |