Nguồn tin từ chính quyền Nhật Bản cho biết, mặc dù chính quyền dưới thời Thủ tướng Abe từ lâu vẫn giữ lập trường thận trọng về việc tiến hành đối thoại với Triều Tiên, Tokyo hiện đang nhận thấy cơ hội đạt tiến triển trong giải quyết vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản trong chiến tranh những năm 1970 và 1980. Nguồn tin từ Văn phòng thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh: "Nếu có thể giải quyết vấn đề này, việc đối thoại trực tiếp với Nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ là yếu tố rất quan trọng".
Nếu được xác nhận, đây động thái trên đánh dấu một sự thay đổi đối với Thủ tướng Abe, người cho đến nay vẫn ủng hộ "sức ép tối đa" đối với Triều Tiên.
Trước ông Trump, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Nhà lãnh đạo Triều Tiên vào tháng 4 tới. Trong bối cảnh như vậy, Nhật Bản dường như là quốc gia duy nhất còn lại ở Đông Bắc Á giữ lập trường cứng rắn với Bình Nhưỡng.
Các thông tin trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Abe có cuộc gặp với ông Suh Hoon - Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc. Đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc, ông Suh Hoon ngày 13/3 đã tới Nhật Bản để thông báo với các nhà lãnh đạo nước này về tiến triển trong các buổi tiếp xúc với phía Triều Tiên.
Trước đó, phái đoàn Hàn Quốc đã tới Mỹ và thông báo rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un mong muốn gặp Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa. Tổng thống Trump đã đồng ý đối thoại trực tiếp với ông Kim Jong Un vào tháng 5 tới.
Sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Abe với ông Suh, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ sẽ hợp tác để tạo điều kiện cho cuộc gặp thượng đỉnh Tổng thống Moon-ông Kim và Tổng thống Trump-Nhà lãnh đạo Kim được diễn ra.
Lần gần đây nhất lãnh đạo Nhật Bản và Triều Tiên gặp nhau là vào năm 2004, khi cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi gặp cố lãnh đạo Kim Jong Il, cha của ông Kim Jong Un, tại Bình Nhưỡng. Khi đó, ông Abe cũng đã tới thủ đô của Triều Tiên trên cương vị Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản.