Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhật Bản dỡ bỏ 3 biện pháp cấm vận đối với Triều Tiên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/7, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ một phần các biện pháp cấm vận của nước này đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sau khi Triều Tiên có các động thái tích cực trong việc điều tra lại vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản.​

Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản đã có cuộc họp sáng 3/7 để nghe báo cáo về kết quả cuộc đàm phán với Triều Tiên về vấn đề bắt cóc được tổ chức hôm 1/7 tại Bắc Kinh.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Phía Triều Tiên cho biết, sẽ thành lập Ủy ban điều tra đặc biệt để điều tra lại số phận toàn bộ người Nhật mất tích. Ủy ban này sẽ được Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên, cơ quan có quyền lực tối cao tại nước này, trao cho quyền hạn đặc biệt để có thể tiến hành điều tra toàn bộ các cơ quan của Triều Tiên.

Người đứng đầu Ủy ban điều tra đặc biệt sẽ là một quan chức cấp cao của Ủy ban Quốc phòng. Bình Nhưỡng cũng cho phép Tokyo cử người tham gia vào Ủy ban điều tra đặc biệt vào thời điểm thích hợp để đảm bảo tính khách quan và chính xác của cuộc điều tra. Với những cam kết của Triều Tiên, Nhật Bản đánh giá cuộc điều tra sẽ được tiến hành một cách thực chất và điều đó cần được đáp lại với việc dỡ bỏ một phần biện pháp cấm vận chống nước này.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh giá cuộc điều tra lần này được tiến hành với một cơ chế chưa từng có từ trước đến nay với sự tham gia của những cơ quan có quyền đưa ra các quyết định mang tính quốc gia của Triều Tiên.

Thủ tướng Abe cho biết: “Theo nguyên tắc hành động tương xứng hành động, Nhật Bản quyết định dỡ bỏ một phần các biện pháp cấm vận của mình chống Triều Tiên. Tuy nhiên, đây chỉ là sự khởi đầu. Chúng tôi quyết tâm dồn toàn bộ sức lực để giải quyết toàn diện vấn đề bắt cóc”.

Theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, Tokyo sẽ dỡ bỏ 3 biện pháp cấm vận chống Bình Nhưỡng gồm: Quy định hạn chế việc đi lại giữa hai nước, nghĩa vụ báo cáo khi chuyển tiền về Triều Tiên và quy định cấm tàu Triều Tiên cập cảng Nhật Bản với mục đích nhân đạo. Các biện pháp này sẽ được dỡ bỏ vào ngày 4/7 sau khi Ủy ban điều tra đặc biệt được Triều Tiên chính thức thành lập. Chánh Văn phòng Nội các Suga cho biết Ủy ban điều tra đặc biệt sẽ có bản báo cáo đầu tiên về kết quả điều tra vào cuối hè đầu thu năm nay.

Giới quan sát đánh giá đây là một thỏa thuận bước ngoặt trong quan hệ giữa Nhật Bản và Triều Tiên. Tokyo luôn coi việc giải quyết vấn đề bắt cóc là điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ song phương. Bình Nhưỡng năm 2002 từng thừa nhận bắt cóc 13 công dân Nhật để đào tạo tiếng Nhật và phong tục Nhật Bản cho điệp viên Triều Tiên.

Bình Nhưỡng cho rằng đã giải quyết xong vấn đề bắt cóc sau khi trao trả 5 người cho Nhật Bản và cho biết 8 người còn lại đã chết. Tuy nhiên, Tokyo nghi ngờ hàng chục công dân Nhật Bản mất tích trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước có thể cũng bị Triều Tiên bắt cóc.